Thủ tục ký hợp đồng lao động trực tiếp đi làm việc ở nước ngoài
Quy định pháp luật Việt Nam hiện tại cho phép người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc dưới 4 hình thức. Cụ thể, Điều 6 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 quy định:
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức sau đây:
- Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
- Hợp đồng cá nhân.
Như vậy, bạn có thể ký hợp đồng lao động trực tiếp với người sử dụng lao động ở Đức và sang làm việc cho họ mà không phải thông qua các Công ty Việt Nam làm dịch vụ cung ứng lao động.
Về thủ tục: Người lao động đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài phải đăng ký hợp đồng lao động tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi thường trú.
Hồ sơ xin đăng ký hợp đồng lao động cá nhân gồm:
- Đơn xin đi lao động ở nước ngoài, có xác nhận của ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn về nơi thường trú của người lao động. Đối với những người đang làm việc ở các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở sản xuất dịch vụ thì cần có thêm xác nhận của nơi người lao động làm việc;
- Bản sao hợp đồng lao động hoặc bản sao văn bản tiếp nhận làm việc của bên nước ngoài.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục ký hợp đồng lao động trực tiếp đi làm việc ở nước ngoài. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật