Thẩm quyền miễn, giảm tạm ứng án phí được quy định như thế nào?
Thẩm quyền miễn, giảm tạm ứng án phí được quy định tại Điều 15 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) về mức thu miễn giảm thu nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án như sau:
1. Trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí sơ thẩm.
2. Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí của bị đơn có yêu cầu phản tố, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án.
3. Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí phúc thẩm.
4. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí và tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm, Tòa án thông báo bằng văn bản vềviệc miễn, giảm hoặc không miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí. Trường hợp không miễn, giảm thì phải nêu rõ lý do.
6. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án.
Như vậy, căn cứ quy định trên so với Pháp lệnh 2009/2010/PLUBTVQH12 thì nội dung thời hạn Tòa án phải thông báo về việc miễn, giảm tiền án phí, lệ phí là quy định mới được bổ sung nhằm nâng cao trách nhiệm của Tòa án, đảm bảo tính minh bạch trong giải quyết việc miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí, lệ phí.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thẩm quyền miễn, giảm tạm ứng án phí. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
Trân trọng!