Thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động xảy ra tại nơi làm việc được quy định như thế nào?

Chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Quốc Thuận, hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Hiện công ty tôi có nhân viên bị tai nạn tại công ty, nhân viên này đang được điều trị và chưa xác định được có phải là do tai nạn lao động hay không vì chưa tiến hành điều tra. Cho tôi được hỏi công ty có trách nhiệm gì không đối với tai nạn này. Hiện tại thì công ty vẫn cho nhân viên này ứng tiến rất nhiều để chữa trị, nhưng không có tiến triển. Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Tôi chân thành cảm ơn rất nhiều! Quốc Thuận (thuan***@gmail.com)

Trước tiên, bạn nên xác định lại việc chưa tiến hành điều tra tai nạn lao động đã đúng quy định pháp luật hay chưa. Theo Khoản 6 Điều 35 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động như sau:

Thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động thuộc thẩm quyền của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp trung ương quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được tính từ thời điểm nhận tin báo, khai báo tai nạn lao động đến khi công bố biên bản điều tra tai nạn lao động như sau:

a) Không quá 04 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nhẹ người lao động;

b) Không quá 07 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động;

c) Không quá 20 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên;

d) Không quá 30 ngày đối với tai nạn lao động chết người; không quá 60 ngày đối với tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y. Trường hợp các vụ tai nạn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thời hạn điều tra được tính từ khi Đoàn điều tra tai nạn lao động nhận được đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn.

Đối với tai nạn lao động được quy định tại các điểm b, c và d của khoản này có tình tiết phức tạp thì được gia hạn thời gian điều tra một lần nhưng thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn quy định tại các điểm này; Trưởng đoàn điều tra phải báo cáo việc gia hạn và được sự đồng ý của người ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động đối với tai nạn lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản này.

Cũng theo Khoản 1 Điều này quy định:

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ trường hợp đã được điều tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này hoặc tai nạn lao động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gồm có người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động khi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế và một số thành viên khác.

Bạn nên xem xét lại thử thủ tục điều tra tai nạn đã thực hiện đúng chưa để sớm có kết quả, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trường hợp đã tiến hành đúng thẩm quyền và đang trong thời gian điều tra, công ty và phía gia đình có thể thỏa thuận bằng văn bản ai sẽ là người chi trả trong thời gian này. Nếu công ty chi trả, sau này kết luận không phải tai nạn lao động thì gia đình sẽ hoàn lại cho công ty, hoặc ngược lại.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc xác định tai nạn lao động tại nơi làm việc. Để có thể hiểu rõ hơn về điều này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết tại Luật an toàn vệ sinh lao động 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tai nạn lao động

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào