Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng công trình được quy định như thế nào?

Chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Ngọc Tùng, hiện đang sinh sống và làm việc tại Bến Tre. Ban biên tập vui lòng cho tôi hỏi một vấn đề như sau: Hiện nay tôi có một công trình bị sự cố do thiên tai và đã được đơn vị bảo hiểm xây dựng đền bù một số tiền. Vì vậy để có cở sở thực hiện các bước tiếp theo như khắc phục sự cố (chi phí thực hiện này sử dụng tiền do đơn vị bảo hiểm chi trả). Chính vì thế, nhờ Ban biên tập tư vấn giúp để sử dụng số tiền do bảo hiểm chi trả thì các bước triển khai như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập. Ngọc Tùng (tung***@gmail.com)

Vì không có chuyên môn về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (tài chính nhà nước nói chung), đầu tư xây dựng công trình, đấu thầu nên Ban biên tập không thể tư vấn cụ thể quy trình, thủ tục liên quan.

Ban biên tập Thư Ký Luật gửi bạn một số thông tin sơ bộ liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng công trình như sau:

Trình tự đầu tư xây dựng công trình thực hiện qua các giai đoạn theo quy định tại Điều 6 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau:

1. Trình tự thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 của Luật Xây dựng năm 2014 được quy định cụ thể như sau:

a) Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án;

b) Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc: Thực hiện việc giao đất hoặc thuê đất (nếu có); chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có); khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng); tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành; bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc cần thiết khác;

c) Giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng gồm các công việc: Quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình xây dựng.

2. Tùy thuộc điều kiện cụ thể và yêu cầu kỹ thuật của dự án, người quyết định đầu tư quyết định trình tự thực hiện tuần tự hoặc kết hợp đồng thời đối với các hạng mục công việc quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này.

3. Các bản vẽ thiết kế đã được thẩm định, đóng dấu được giao lại cho chủ đầu tư và chủ đầu tư có trách nhiệm lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Chủ đầu tư có trách nhiệm đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng khi cần xem xét hồ sơ đang lưu trữ này. Chủ đầu tư nộp tệp tin (file) bản vẽ và dự toán hoặc tệp tin bản chụp (đã chỉnh sửa theo kết quả thẩm định) về cơ quan chuyên môn theo quy định tại Khoản 13 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 về xây dựng để quản lý.

Các bước liên quan đến lập dự toán xây dựng công trình, bạn có thể tham chiếu tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Các hình thức lựa chọn nhà thầu; Lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; quy trình lựa chọn nhà thầu tương ứng với từng hình thức, bạn xem tại Luật đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Trên đây là một số thông tin Ban biên tập Thư Ký Luật cung cấp đến bạn về đến trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng công trình. Để có thể hiểu rõ hơn về điều này, bạn có thể tham khảo chi tiết tại các quy định vừa nêu trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đầu tư

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào