Người lao động không tuân thủ quy định an toàn vệ sinh lao động dẫn đến tai nạn thì có được hưởng chế độ gì không?

Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi có vấn đề này thắc mắc cần được tư vấn như sau: 1. Công ty tôi có ký hợp đồng thời vụ 3 tháng với chức vụ nhân viên lái xe nhưng trong khi thực hiện nhiệm vụ thì anh này không tuân thủ quy định an toàn vệ sinh lao động dẫn đến gãy tay và hiện tại không thể thực hiện công việc được. Trường hợp này thì có được hưởng chế độ gì không và công ty có phải trả lương trong thời gian anh này nghỉ ốm không? 2. Công ty tôi có ký hợp đồng thời vụ 3 tháng với 1 anh, nhưng trên đường đi làm về anh này gây tại nạn giao thông vậy thì trường hợp này có ảnh hưởng gì đến công ty hay không? Hùng Phương (phuong***@gmail.com)

Trường hợp thứ nhất, mặc dù không tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động nhưng tai nạn xảy ra khi đang thực hiện công việc được giao thì được coi là tai nạn lao động. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả phần chi phí điều trị đồng chi trả với bảo hiểm y tế và toàn bộ tiền lương từ khi xảy ra tai nạn lao động cho đến khi điều trị ổn định cho người lao động căn cứ Điều 144 Bộ Luật lao động 2012, Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.

Sau khi người lao động được điều trị ổn định thì phải giới thiệu người lao động đi giám định suy giảm khả năng lao động. Nếu bị suy giảm từ 5% trở lên thì tùy trường hợp mà phải bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động.
Ví dụ: tai nạn hoàn toàn do lỗi của người lao động thì chi trả trợ cấp. Căn cứ để tính bồi thường, trợ cấp, mức bồi thường, trợ cấp theo quy định cụ thể tại Điều 3, Điều 4 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Ngoài ra, công ty có trách nhiệm nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH để BHXH chi trả chế độ tai nạn lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật BHXH.

Trường hợp thứ hai thì tùy theo tai nạn xảy ra được xác định là tai nạn lao động hay tai nạn rủi ro. Nếu tai nạn lao động thì giải quyết như trường hợp ở trên. Nếu tai nạn rủi ro thì người lao động hưởng chế độ ốm đau do BHXH chi trả, công ty không phải thanh toán lương trong thời gian người lao động hưởng chế độ ốm đau căn cứ Điều 186 Bộ luật lao động 2012.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các trường hợp mà người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả cho người lao động khi có tai nạn xảy ra. Để có thể hiểu rõ hơn về điều này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết thêm tại Bộ luật lao động 2012 và các văn bản có liên quan vừa nêu ở trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào