Xử phạt hành vi trục lợi bảo hiểm liên quan đến giải quyết bồi thường hoặc chi trả quyền lợi bảo hiểm
Xử phạt đối với hành vi trục lợi bảo hiểm liên quan đến giải quyết bồi thường hoặc chi trả quyền lợi bảo hiểm được quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 14 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số như sau:
2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Yêu cầu người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trả thù lao, hay các quyền lợi vật chất khác trái pháp luật trong quá trình giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
b) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.
…
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bãi nhiệm chức danh người quản trị, điều hành đã được Bộ Tài chính phê chuẩn đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc đình chỉ các chức danh đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bổ nhiệm vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này.
Liên quan đến nội dung này, Ban biên tập cung cấp thêm thông tin về những hình thức trục lợi bảo hiểm, những hình thức mà công ty bảo hiểm hoặc các đơn vị liên quan khác thường thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật, bao gồm:
- Khách hàng cố ý không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật: thường xảy ra ở nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ
- Giả mạo hồ sơ để tham gia bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra: thường xảy ra ở hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Hành vi này chủ yếu xảy ra do người tham gia bảo hiểm thông đồng với nhân viên bảo hiểm, đại lý bảo hiểm.
- Đại lý bảo hiểm làm khống hồ sơ yêu cầu bảo hiểm dựa trên thông tin có thật về khách hàng để giao kết hợp đồng dưới tên, tuổi của khách hàng nhằm đạt kết quả thi đua trong một giai đoạn nhất định sau đó sẽ yêu cầu hủy hợp đồng.
- Đại lý bảo hiểm cố tình giữ hợp đồng bảo hiểm của khách hàng đến khi hết thời gian tự do cân nhắc nhằm được hưởng hoa hồng bảo hiểm.
- Khách hàng thông báo cho đại lý phục vụ về yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm trong thời gian 02 năm đầu (đối với hợp đồng có giá trị hoàn lại sau 02 năm), đại lý làm các thủ tục giả mạo (giấy tờ viết tay) để hoàn trả cho khách hàng 1 khoản tiền nhỏ (nhưng thực tế khách hàng sẽ không được hưởng gì nếu hủy hợp đồng trong 02 năm đầu), sau đó tiếp tục đóng phí 1 - 2 kỳ phí cho hợp đồng bảo hiểm. Khi hợp đồng có hiệu lực trên 02 năm và có giá trị hoàn lại, đại lý yêu cầu hủy hợp đồng nhằm hưởng số tiền chênh lệch. Trường hợp này đã từng xảy ra ở BVNT Thanh Hóa và chủ yếu ở các nghiệp vụ bảo hiểm có giá trị hoàn lại.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt đối với hành vi trục lợi bảo hiểm liên quan đến giải quyết bồi thường hoặc chi trả quyền lợi bảo hiểm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật