Trường hợp nào được thay đổi người giám hộ đương nhiên từ 2017?

Từ năm 2017, trường hợp nào được thay đổi người giám hộ đương nhiên? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Hoàng Long, hiện đang sinh sống tại Thành phố Vĩnh Long, tôi có chứng kiến một tình huống rất bức xúc muốn chia sẻ với Ban biên tập như sau: Gần nhà tôi có một cặp vợ chồng, họ cưới nhau từ năm 2014, đến năm 2016, người vợ bị bệnh nhưng người chồng lại không chịu quan tâm chăm sóc, lại còn chung sống với người khác để có con riêng. Đầu năm 2017, người vợ bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người chồng. Người chồng thì càng ngày càng bê tha, bỏ mặc và còn hành hạ vợ. Tôi nghi ngờ, người chồng còn định nhân lúc vợ mình bị mất năng lực hành vi thì chuyển hết tài sản thành của mình. Trước tình hình đó, mẹ của người vợ đã có đơn xin thay đổi người giám hộ đương nhiên, tuy nhiên cho tới nay vẫn không có cơ quan nào giải quyết cho bà. Tôi mong Ban biên tập có thể đưa ra lời khuyên cho bà. Chân thành cảm ơn! Email: hoang.long***@gmail.com

Đối với trường hợp bạn trình bày, Ban biên tập cho rằng hoàn toàn có thể thay đổi người giám hộ cho chị X (người vợ trong tình huống của bạn) bởi các lẽ sau:

Điều 46 Bộ luật dân sự 2015 có đưa ra định nghĩa giám hộ như sau: Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc giám hộ đương nhiên (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

Theo thông tin bạn cung cấp thì chị X bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự nên chồng của chị ấy theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Bộ luật dân sự 2015 trở thành người giám hộ đương nhiên của chị ấy.

Đồng thời, Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự như sau:

Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau đây:

+   Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;

+   Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;

+   Quản lý tài sản của người được giám hộ;

+   Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Do đó, vì người chồng là người giám hộ đương nhiên của chị X nên anh ta có các nghĩa vụ như trên. Tuy nhiên anh ta lại không chăm sóc cho chị X mà lại chung sống với người khác người phụ nữ khác nghĩa là đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người giám hộ nên căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 60 Bộ luật dân sự 2015, người giám hộ phải được thay đổi.

Mẹ của chị X gửi đơn cho tòa án sẽ được xem xét giải quyết việc thay đổi người giám hộ theo quy định nêu trên. Nếu đã chờ lâu mà không được giải quyết, bà có thể gửi đơn khiếu nại lên tòa án cấp cao hơn để được xem xét.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trường hợp được thay đổi người giám hộ đương nhiên. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để hiểu rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người giám hộ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào