Từ năm 2017, di chúc đã lập có thể hủy bỏ được không?

Từ năm 2017, di chúc đã lập có thể hủy bỏ được không? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Minh Quân, hiện đang làm việc tại TP. HCM, quê tôi ở Đồng Tháp. Gia đình tôi có mẹ tôi, tôi và một em gái. Mẹ tôi hiện giờ đã 80 tuổi, vì tôi phải đi làm ăn xa nên mẹ hiện đang sống với em gái tôi ở Đồng Tháp. Hồi đầu năm 2017, mẹ tôi có lập di chúc, nội dung sẽ để lại căn nhà cho em tôi. Tuy nhiên, gần đây, tôi về thăm quê có nghe hàng xóm kể lại rằng em gái tôi thường xuyên chửi mắng, không chăm lo cho mẹ tôi. Khi mẹ bệnh thì em tôi lại đối xử rất lạnh nhạt. Tôi nghi ngờ em tôi có ý đồ xấu, muốn chiếm đoạt tài sản của mẹ tôi nên tôi muốn mẹ hủy bỏ bản di chúc đã lập, không để lại tài sản cho em tôi nữa. Cho tôi hỏi, có cách nào để hủy di chúc đã lập không? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Chân thành cảm ơn! Email: minh.quan***@gmail.com

Đầu tiên, Ban biên tập bày tỏ sự bức xúc đối với những hành động của em bạn. Việc không chăm lo cho mẹ già khi đau yếu không những đi ngược lại với luân thường đạo lý mà còn là hành vi trái pháp luật bởi lẽ Khoản 2 Điều 70 Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã quy định rõ: Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Còn về vấn đề bạn hỏi, mẹ của bạn hoàn toàn có thể hủy di chúc đã lập và lập lại một bản di chúc mới với nội dung thay đổi. Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Như vậy, bà của bạn có thể hủy bỏ, hoặc làm di chúc mới thay thế di chúc hiện có. Nếu không thể tự mình viết giấy hủy bỏ hoặc di chúc mới bà có thể nhờ người khác viết nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Bà phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của bà và ký vào bản di chúc. Bà có thể nhờ bất cứ ai làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc, người có quyền nghĩa vụ liên quan đến nội dung di chúc, người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự. Nếu muốn bà còn có quyền yêu cầu các cơ quan công chứng hoặc UBND phường chứng nhận bản di chúc mới.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc hủy bỏ di chúc đã lập. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Di chúc

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào