Vi phạm về việc nhượng tái bảo hiểm không đúng quy định của pháp luật
Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về việc nhượng tái bảo hiểm không đúng quy định của pháp luật được quy định tại Điểm a Khoản 2; Khoản 3 và 4 Điều 12 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số như sau:
2. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Nhượng tái bảo hiểm không đúng quy định của pháp luật;
...
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc bãi nhiệm chức danh người quản trị, điều hành đã được Bộ Tài chính phê chuẩn đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
Căn cứ theo quy định của pháp luật nêu trên, nếu như công ty của bạn nhượng tái bảo hiểm không đúng quy định của pháp luật, trong trường hợp này công ty của bạn có thể vi phạm các quy định về tái bảo hiểm, công ty bạn sẽ bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, phần nội dung liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 2 đến 3 tháng và người quản trị, điều hành đã được Bộ Tài chính phê chuẩn gây ra vi phạm sẽ bị buộc bãi nhiệm.
Theo đó, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn về nhượng tái bảo hiểm được quy định tại Điều 11 Thông tư 50/2017/TT-BTC (có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2017) như sau:
1. Việc nhượng tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này.
2. Nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP là một trong các trường hợp sau:
a) Người được bảo hiểm chỉ định một hoặc một số doanh nghiệp tái bảo hiểm cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm nhượng tái bảo hiểm cho một hoặc một số doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được chỉ định đó;
b) Người được bảo hiểm chỉ định một hoặc một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thu xếp tái bảo hiểm qua một hoặc một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã được chỉ định đó.
Trường hợp nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm, doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài theo chỉ định của người được bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại Điều 43 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
3. Đối với các loại hình tái bảo hiểm hạn chế (finite reinsurance), sau khi ký kết hợp đồng tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có văn bản do người đại diện theo pháp luật ký thông báo cho Bộ Tài chính các nội dung chính của hợp đồng tái bảo hiểm, mục đích ký kết hợp đồng, cam kết tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và chế độ kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.
4. Việc nhượng tái bảo hiểm không được phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về việc nhượng tái bảo hiểm không đúng quy định của pháp luật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật