Nghĩa vụ bồi thường phát sinh khi có thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra được quy định như thế nào?

Chào anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật, vui lòng cho tôi hỏi vấn đề như sau: Tôi có một hợp đồng ký kết với bên Hàn quốc và bây giờ nếu tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng (tôi chấp nhận bỏ 30% số tiền đặt cọc) và trong hợp đồng không có quy định về mức đền bù khi huỷ bỏ hợp đồng thì tôi có phải bồi thường thiệt hại gì hơn không? Mong sớm nhận được phản hồi. Tôi chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Tùng Lâm (lam***@gmail.com)

Một trong hai trường hợp sẽ xảy ra:

Trường hợp thứ nhất, vấn đề này nếu hai bên có thể thỏa thuận được với nhau. Nếu bên Hàn Quốc không yêu cầu bồi thường thì bạn sẽ không phải hồi thường.

Trường hợp thứ hai, trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được với nhau về vấn đề này thì bạn phải xem lại trong hợp đồng hai bên thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án, Trọng tài thương mại của Việt Nam hay của Hàn Quốc (hoặc nước khác), nếu chọn Trọng tài Thương mại thì các bên thỏa thuận áp dụng pháp luật nước nào?

- Nếu chọn Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài thương mại Việt Nam và áp dụng theo pháp luật Việt Nam thì theo Điều 302 Luật thương mại 2005 quy định:

1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Điều 303 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;

2. Có thiệt hại thực tế;

3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (Điều 304 Luật này quy định).

Như vậy, khác với phạt vi phạm hợp đồng, nghĩa vụ bồi thường phát sinh khi có thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra mà không cần các bên có thỏa thuận trong hợp đồng (khác với phạt hợp đồng). Trong trường hợp này, nếu bên Hàn Quốc chứng minh được tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên họ đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm của bên bạn thì họ hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường.

- Nếu áp dụng theo pháp luật Hàn Quốc (hoặc luật khác): tùy thuộc vào pháp luật thương mại của nước đó. Vấn đề này Ban biên tập Thư Ký Luật không thể hổ trợ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nghĩa vụ phát sinh khi có thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Để có thể hiểu rõ hơn điều này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết tại Luật Thương mại 2005.

Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào