Xử lý như thế nào khi hội viên cố tình không đóng tiền hụi?
Vấn đề đầu tiên, Ban biên tập muốn giải thích cho bạn hiểu định nghĩa của pháp luật về chơi hụi. Theo Điều 471 Bộ luật dân sự 2015 thì:
- Hụi, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là hụi) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
- Việc tổ chức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp việc tổ chức hụi có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
- Nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Các quy định này, một cách cụ thể đã được quy định tại Nghị định 144/2006/NĐ-CP. Hụi tuy có nhiều loại như hụi có lãi (hụi đầu thảo, hụi hưởng hoa hồng) và hụi không có lãi và hình thức có phần khác nhau nhưng các thành viên tham gia hụi đều có nghĩa vụ là phải góp phần hụi của mình theo như thỏa thuận và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) do vi phạm nghĩa vụ nói trên.
Ngoài ra theo Khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2006/NĐ-CP, nếu đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi và có thỏa thuận thì chủ hụi có nghĩa vụ góp thay phần của thành viên này và thành viên này có trách nhiệm thanh toán lại cho chủ hụi các phần hụi chậm trả và khoản lãi đối với các phần chậm trả. Mức lãi này do các bên thỏa thuận, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm trả các phần hụi. Trường hợp không có thỏa thuận này thì thành viên không góp phần hụi khi đến kỳ mở hụi phải thanh toán đủ phần hụi còn thiếu tương ứng với thời gian chưa thanh toán cho đến thời điểm kết thúc hụi và bồi thường thiệt hại (nếu có) – Điều 30 Nghị định 144/2006/NĐ-CP.
Việc giải quyết tranh chấp này trước hết nên được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Theo đó trong trường hợp của bạn, bạn hoặc các thành viên khác nên cùng liên hệ và thương lượng trước với thành viên không góp hụi nói trên đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho các bên. Nếu thành viên này không hợp tác, bạn hòa toàn có quyền nộp đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân quận/ huyện nơi người này có hộ khẩu thường trú để được thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Bên cạnh trách nhiệm dân sự, trường hợp có căn cứ chứng minh thành viên này có khả năng góp hụi nhưng vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm hoặc trốn đi thì bạn có thể khởi kiện hình sự đối với người này về tội phạm “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 140 Bộ luật hình sự 1999).
Mong rằng nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật có thể giải đáp phần nào vướng mắc của bạn. Bạn nên tham khảo chi tiết các nội dung tại Bộ luật dân sự 2015 để hiểu rõ hơn quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật