Tự ý nghỉ việc 10 ngày trong tháng sẽ bị xử lý như thế nào?

Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Mạnh Quỳnh, hiện đang sinh sống tại Bạc Liêu. Anh/chị vui lòng cho tôi hỏi một vần đề sau: Nếu như người lao động trong hợp đồng lao động không xác định thời hạn ở đơn vị sự công lập tự ý nghỉ việc trên 10 ngày trong 01 tháng thì xử lỷ kỷ luật theo Bộ luật lao động hay Luật viên chức? Trình tự, thủ tục và hình thưc kỷ luật được quy định như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi. Tôi chân thành cảm ơn.  Mạnh Quỳnh (091***)

Người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo hợp đồng lao động chịu sự điều chỉnh của Bộ luật lao động 2012. Theo đó, nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động 2012 được hướng dẫn bởi Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Việc tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Đối với viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc, chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức 2010, nguyên tắc thực hiện, thẩm quyền và thủ tục thực hiện căn cứ Chương 2 Nghị định 27/2012/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc xử lý kỷ luật đối với người lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn tự ý nghỉ việc 10 ngày trong một tháng. Để có thể hiểu rõ hơn về điều này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết thêm tại các văn bản nêu trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chấm dứt hợp đồng lao động

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào