Cơ trưởng có nghĩa vụ gì khi điều khiển tàu bay?
Nghĩa vụ của cơ trưởng - người chỉ huy tàu bay được quy định tại Điều 76 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Theo đó:
1. Thi hành chỉ thị của người khai thác tàu bay.
2. Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay khi tàu bay bị lâm nguy, lâm nạn và là người cuối cùng rời khỏi tàu bay.
3. Thông báo cho cơ sở đang cung cấp dịch vụ không lưu và trợ giúp theo khả năng nhưng không gây nguy hiểm cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay của mình khi phát hiện người, phương tiện giao thông hoặc tài sản khác bị nạn ở ngoài tàu bay.
4. Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đưa tàu bay về đường hàng không trong trường hợp bay chệch đường hàng không.
Đi đôi với các nhiệm vụ trên, pháp luật cũng trao cho cơ trưởng rất nhiều các đặc quyền trong quá trình điều khiển tàu bay, theo đó: Cơ trưởng là người có quyền duy nhất trong việc quyết định và chịu trách nhiệm về việc cất cánh, hạ cánh, huỷ bỏ chuyến bay, quay trở lại nơi cất cánh hoặc hạ cánh khẩn cấp. Họ có quyền không thực hiện nhiệm vụ chuyến bay, kế hoạch bay hoặc chỉ dẫn của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trong trường hợp cần tránh nguy hiểm tức thời, trực tiếp cho hoạt động hàng không và phải báo cáo ngay với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.
Trong thời gian tàu bay đang bay, cơ trưởng được áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với những người thực hiện một trong các hành vi sau đây trong tàu bay:
a) Phạm tội;
b) Đe doạ, uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không;
c) Hành hung hoặc đe dọa thành viên tổ bay, hành khách;
d) Không tuân theo sự hướng dẫn của người chỉ huy tàu bay hoặc của thành viên tổ bay thay mặt người chỉ huy tàu bay về việc bảo đảm an toàn cho tàu bay, duy trì trật tự, kỷ luật trong tàu bay;
đ) Phá hoại thiết bị, tài sản trong tàu bay;
e) Sử dụng ma tuý;
g) Hút thuốc trong buồng vệ sinh hoặc ở những nơi không được phép có khả năng uy hiếp an toàn của tàu bay;
h) Sử dụng thiết bị điện tử xách tay, điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác khi tàu bay cất cánh, hạ cánh hoặc khi bị cấm vì an toàn chuyến bay;
i) Các hành vi vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc, vi phạm trật tự công cộng khác.
Cơ trưởng cũng đồng thời là người có quyền quyết định việc xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay theo quy định tại Điều 88 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Cơ trưởng trực tiếp ra mệnh lệnh cần thiết đối với mọi người trong tàu bay và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm nhận trách nhiệm đối với tàu bay, người và tài sản trong tàu bay trong trường hợp hạ cánh bắt buộc.
Tong trường hợp không nhận được chỉ thị hoặc chỉ thị không rõ ràng của người khai thác tàu bay, cơ trưởng được quyền thực hiện các hoạt động sau và phải thông báo ngay cho người khai thác tàu bay:
a) Thanh toán những khoản chi phí cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của chuyến bay, bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong chuyến bay;
b) Thực hiện những công việc cần thiết để tàu bay tiếp tục chuyến bay;
c) Thuê nhân công trong thời hạn ngắn theo từng vụ việc cần thiết cho chuyến bay.
Như vậy, xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của cơ trưởng đối với vấn đề an toàn trong quá trình khai thác tàu bay và an ninh hàng không, các quyền và nghĩa vụ của cơ trưởng luôn đi song song với nhau, đòi hỏi người cơ trưởng phải hội tụ đủ các yếu tố về sức khỏe, ý chí, bản lĩnh để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người chỉ huy tàu bay.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nghĩa vụ của cơ trưởng khi điều khiển tàu bay. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật