Ông nội có quyền khai sinh cho cháu hay không?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn về cho chúng tôi.
Mỗi cá nhân sinh ra đều có quyền có họ tên và việc đăng ký khai sinh cho trẻ là nghĩa vụ trước hết của những người làm cha mẹ. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp vì điều kiện ở xa, hoàn cảnh khó khăn nên cha mẹ không thể về quê để làm giấy khai sinh cho con. Vì vậy, trong trường hợp cha mẹ không thể làm giấy khai sinh cho con thì pháp luật cho phép ông bà hoặc những người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì bạn hoàn toàn có thể đăng ký khai sinh cho cháu của mình.
Để thực hiện thủ tục khai sinh thì bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ; Sổ hộ khẩu và Chứng minh thư của người đi làm thay. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân. Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm đăng ký khai sinh. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Hộ tịch 2014.
Trân trọng!