Trường hợp nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà hợp pháp?

Trường hợp nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà hợp pháp? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Xuân Mai, hiện đang làm ăn và sinh sống ở Hà Nội, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn. Tháng trước tôi có thuê một ngôi nhà để bán quần áo và ký hợp đồng thuê trong vòng một năm, tôi đã chuyển một số đồ đến chờ ngày khai trương. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng (có công chứng) tôi đã tìm được một địa điểm thuê khác tốt cho việc kinh doanh hơn nên tôi muốn chấm dứt hợp đồng và chấp nhận mất 5.000.000 đồng tiền đặt cọc. Tuy nhiên chủ nhà không đồng ý và còn giữ đồ không cho tôi chuyển đi. Xin hỏi, trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng của tôi pháp luật quy định như thế nào? Hành vi của chủ nhà có vi phạm pháp luật không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! Email: xuan.mai***@gmail.com

Ban biên tập đã nhận được thắc mắc của bạn và có nhận định như sau: Trước mắt, dựa trên tình huống bạn trình bày thì rõ ràng bạn đang đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà không đúng luật. Ban biên tập xin phân tích cụ thể như sau:

Hiện nay, pháp luật hiện hành có quy định về trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 132 Luật Nhà ở 2014. Cụ thể như sau:

Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi bên cho thuê nhà ở có một trong các hành vi sau đây:

a) Không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;

b) Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận;

c) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; nếu vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu không rơi vào một trong ba trường hợp trên thì bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trước pháp luật là trái luật. Đồng thời, bạn cũng không báo cho bên cho thuê trước 30 ngày nên rõ ràng là vi phạm hợp đồng và phải bồi thường.

Về việc bồi thường thiệt hại thì sẽ dựa trên thỏa thuận của 2 bên trong hợp đồng hoặc nếu không thỏa thuận được thì có thể đưa ra tòa án để xem xét mức bồi thường phù hợp. Trên thực tế thì trong trường hợp như thế này, bạn sẽ bị mất tiền cọc.

Ban biên tập cũng cung cấp thêm cho bạn là bên cho thuê nhà không có quyền chiếm giữ tài sản của chị. Hành vi giữ đồ, không cho chị chuyển đi của bên cho thuê nhà có dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 141, 135 Bộ luật Hình sự 1999. Chị có thể trình báo sự việc với cơ quan Công an hoặc Viện Kiểm sát nơi xảy ra sự việc để được giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà hợp pháp. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Nhà ở 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp đồng thuê nhà

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào