Thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện chứng khoán của nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào?

Thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện chứng khoán của nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Minh Sơn hiện đang làm việc tại một công ty Bất động sản TP Hà Nội, tôi có một thắc mắc muốn được hỏi Ban biên tập Thư Ký Luật như sau, đối với các trường hợp văn phòng đại diện của nước ngoài tại Việt Nam bị chấm dứt hoạt dộng, thì thủ tục chấm dứt hoạt động được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản nào? Tôi mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin chân thành cảm ơn! Minh Sơn (mminhson***@gmail.com)

Thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng chứng khoán đại diện của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Điều 10 Thông tư 91/2013/TT-BTC hướng dẫn đăng ký thành lập, tổ chức và hoạt động văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:

2. Trường hợp văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này, tối thiểu ba mươi (30) ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hoạt động, công ty mẹ gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:

a) Thông báo về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện theo mẫu quy định tại phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Kế hoạch chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện bao gồm: trình tự, thủ tục thanh lý tài sản và thực hiện các nghĩa vụ của văn phòng đại diện; cách thức, thời hạn và kế hoạch thanh toán các nghĩa vụ nợ, thu hồi tài sản có, giải quyết các nghĩa vụ, quyền lợi với cá nhân, tổ chức có liên quan; kế hoạch chuyển tiền và tài sản của văn phòng đại diện ra nước ngoài;

c) Quyết định của công ty mẹ về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện.

3. Hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này được lập thành hai (02) bộ, một (01) bộ bằng tiếng Việt và một (01) bộ gốc bằng tiếng nước nguyên xứ, kèm theo tệp thông tin điện tử. Hồ sơ trên được gửi trực tiếp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc gửi qua đường bưu điện.

4. Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét chấp thuận nguyên tắc về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện.

5. Sau khi nhận được công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, văn phòng đại diện thực hiện các thủ tục đóng cửa văn phòng đại diện bao gồm:

a) Công bố thông tin trên ba (03) số liên tiếp của một (01) tờ báo Trung ương hoặc địa phương nơi văn phòng đại diện có trụ sở về việc chấm dứt hoạt động của mình để các tổ chức, cá nhân đến giải quyết quyền lợi liên quan;

b) Thanh lý hợp đồng thuê trụ sở, hợp đồng lao động với người lao động và các giao dịch khác (nếu có);

c) Hoàn thành các nghĩa vụ thuế, tài chính đối với Nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật;

d) Làm thủ tục trả con dấu theo quy định của pháp luật liên quan;

đ) Thanh toán hết các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với tổ chức và cá nhân có liên quan tại Việt Nam; thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ, quyền lợi đối với các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

6. Kể từ ngày hoàn tất thủ tục theo quy định tại khoản 5 Điều này, công ty mẹ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đã hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hồ sơ báo cáo bao gồm các tài liệu sau:

a) Thông báo chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện do đại diện có thẩm quyền của công ty mẹ ký theo mẫu quy định tại phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Văn bản, tài liệu liên quan chứng minh công ty mẹ đã hoàn tất các thủ tục thanh lý, thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ, quyền lợi với các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định tại khoản 5 Điều này và các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam;

c) Bản chính giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài.

7. Hồ sơ tại khoản 6 Điều này được lập thành hai (02) bộ, một (01) bộ bằng tiếng Việt và một (01) bộ gốc bằng tiếng nước nguyên xứ, kèm theo tệp thông tin điện tử. Hồ sơ trên được gửi trực tiếp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc gửi qua đường bưu điện.

8. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện.

9. Sau khi nhận được quyết định chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, công ty mẹ được chuyển ra nước ngoài tài sản còn lại của văn phòng đại diện (nếu có) theo quy định pháp luật hiện hành.

Như vậy, việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện chứng khoán của nước ngoài tại Việt Nam phải trải qua trình tự thủ tục rất chặt chẽ. Đối với các trường hợp bị chấm dứt hoạt động khác nhau thì thủ tục chấm dứt hoạt động cũng khác nhau, việc các văn phòng đại diện của nước ngoài tại Việt Nam lúc được cấp giấy chứng nhận có hiệu lực phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì việc chấm dứt hoạt động của các văn phòng đại diện của nước ngoài cũng phải được thông báo trên các phương tiện theo quy định của pháp luật. Việc các văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện.

Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện chứng khoán của nước ngoài tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn có thể tham khảo tại Thông tư 91/2013/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Văn phòng đại diện

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào