Nên làm gì khi gây tai nạn giao thông làm chết người?

Nên làm gì khi gây tai nạn giao thông làm chết người? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Hoàng Long, hiện đang làm tài xế cho công ty TNHH MTV vận tải Cúc Tùng, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn. Khi tôi lái xe container lưu thông trên quốc lộ thì xảy ra tai nạn giao thông với một xe máy đi ngược chiều gây chết người. Cụ thể, xe máy đâm thẳng vào đầu xe container, khiến người đi xe máy văng xuống đường và bị xe container chèn qua. Do quá hoảng loạn, tôi đã để xe lại và bỏ trốn. Xin hỏi, trong trường hợp này tôi phải làm gì? Xảy ra tai nạn chết người, lái xe phải làm gì? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! Email: hoang.long***@gmail.com

Gây tai nạn giao thông làm chết người thì tài xế phải kịp thời xử lý, ứng cứu với người bị tai nạn. Cụ thể, pháp luật hiện hành có những quy định như sau:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008 về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ thì:

Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Khoản 17 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm cũng nêu rõ việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là một hành vi bị ngăn cấm.

Tuy nhiên có nhiều trường hợp sau khi gây ra tai nạn giao thông, bản thân người điều khiển phương tiện ý thức được trách nhiệm của mình đối với người bị thiệt hại nhưng do vì những lý do khách quan như là nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích. Trong những trường hợp này, pháp luật cho phép người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn được phép rời khỏi hiện trường. Nhưng việc rời khỏi chỉ là tạm thời và sau đó phải đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất, còn việc bỏ trốn khỏi hiện trường và trốn tránh luôn cả trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.

Về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông thì Điều 38 Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định như sau:

Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp, nếu lái xe là đối tượng gây ra hậu quả nghiêm trọng mà bỏ trốn thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức phạt từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng hoặc nếu hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Còn khi tìm hiểu vụ việc, mà nguyên nhân chính không phải do lái xe thì sẽ do các bên thỏa thuận giải quyết nhưng về nguyên tắc lái xe không được bỏ hiện trường mà không trình báo.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc nên làm khi gây tai nạn giao thông làm chết người. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật giao thông đường bộ 2008 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào