Điều kiện đối với đơn vị hoạt động vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Điều kiện hoạt động vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 39/2009/NĐ-CP quy định vật liệu nổ công nghiệp. Cụ thể là:
a) Là tổ chức kinh tế thành lập theo quy định pháp luật, có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận chuyển hoặc tổ chức có Giấy phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
b) Có phương tiện vận chuyển đủ điều kiện hoạt động, tham gia giao thông theo quy định pháp luật về giao thông và đủ điều kiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về vật liệu nổ công nghiệp, phòng cháy, chữa cháy và quy định liên quan;
c) Lãnh đạo quản lý, người điều khiển phương tiện, người áp tải, người phục vụ liên quan đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;
d) Trừ các trường hợp vận chuyển nội bộ, việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trên đường giao thông công cộng phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển quy định tại Chương III, Nghị định này.
Căn cứ vào quy định trên thì công ty của bạn trước khi thực hiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trên đường giao thông công cộng (trừ trường hợp vận chuyển nội bộ) phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm tra, cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Sau khi được cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp thì công ty bạn được thực hiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trên đường giao thông công công nhưng vẫn phải đảm bào các điều kiện như: vận chuyển đúng chủng loại vật liệu nổ công nghiệp quy định trong Giấy phép vận chuyển; vận chuyển bằng phương tiện được cơ quan nhà nước đăng kiểm, kiểm tra cấp Giấy phép lưu hành; vận chuyển đúng tuyến đường quy định trong giấy phép vận chuyển; dừng đỗ phương tiện, bốc dỡ vật liệu đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 7 Điều 34 Nghị định 163/2013/NĐ-CP phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp không có Giấy phép. Ngoài ra, sẽ bị tịch thu vật liệu nổ công nghiệp vi phạm đối với các hành vi vi vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp không có Giấy phép quy định tại Khoản 8 Điều 34 Nghị định này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về điều kiện hoạt động vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo quy định tại Nghị định 39/2009/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật