Hoạt động thuê, cho thuê tàu bay có tổ bay được quy định thế nào?
1. Trong trường hợp thuê, cho thuê tàu bay có tổ bay, tàu bay được khai thác theo Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của bên cho thuê.
2. Bên cho thuê chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện tiêu chuẩn an toàn về bảo dưỡng, khai thác tàu bay.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi xin cung cấp thêm cho bạn một vài thông tin như sau:
Theo quy định pháp luật hiện hành, bên cho thuê tàu bay có tổ bay phải là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật nơi doanh nghiệp đó có trụ sở chính và người cho thuê phải có chứng nhận người khai thác tàu bay. Và việc lựa chọn nhà thầu cho thuê tàu bay được thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh.
Thành phần tổ bay bao gồm tổ lái, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không theo yêu cầu thực hiện chuyến bay. Theo đó, tổ lái là những người chịu trách nhiệm trực tiếp điều khiển hoạt động của tàu bay bao gồm lái chính, lái phụ và một số nhân viên hàng không khác, trong đó, một người được chỉ định làm người chỉ huy tàu bay. Người chỉ huy tàu bay là người có quyền cao nhất trên tàu bay, thay mặt Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền và hãng hàng không thực hiện các quyền về: khai thác và điều khiển tàu bay, thương mại, hành chính.
Xuất phát từ vai trò hết sức quan trọng của nhân viên hàng không nói chung và tổ bay nói riêng đối với sự an toàn của hoạt động khai thác tàu bay, trên thực tế, hợp đồng cho thuê tàu bay tại một số quốc gia trên thế giới được phân thành 3 loại căn cứ vào hình thức tổ bay kèm theo tàu bay thuê, bao gồm: Hợp đồng thuê ướt tàu bay (Wet Lease), hợp đồng thuê khô tàu bay (Dry Lease), hợp đồng thuê ẩm tàu bay (Damp Lease).
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hoạt động thuê, cho thuê tàu bay có tổ bay. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật