Vay hộ tiền cho người khác làm sao để đòi lại?

Vay hộ tiền cho người khác làm sao để đòi lại? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Xuân Mai, hiện đang sinh sống tại Tiền Giang. Hồi tháng 05/2016, tôi có vay hộ một người bạn với số tiền là 50.000.000 đồng với lãi suất 10% một tháng. Tuy nhiên, từ lúc vay tiền đến giờ, người bạn của tôi chưa trả cho tôi một đồng lãi nào cả. Tháng nào tôi cũng phải bỏ tiền ra để trả hộ lãi vay. Vậy tôi phải làm thế nào để đòi được nợ? Mức lãi vay như trên có phải lãi vay nặng lãi không? Khi vay hộ, tôi có ký giao kèo với người bạn. Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! xuan.mai***@gmail.com

 Hợp đồng vay tài sản theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Bộ luật dân sự 2015 cũng có quy định, hợp đồng có thể được lập dưới hình thức văn bản, lời nói hoặc hành vi pháp lý. Như vậy, bạn ký giao kèo với người bạn có thể được xem là một hợp đồng vay giữa bạn và người bạn đó. Từ đó, phát sinh nghĩa vụ trả nợ vay theo Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.

5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay, lãi suất hai bên tự thỏa thuận. Theo đó:

+ Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

+ Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Do bạn cho vay lãi suất 10% 1 tháng quá mức lãi suất tối đa nhà nước quy định chỉ có 2%/1 tháng cho nên hợp đồng bị vô hiệu một phần dẫn đến khi có tranh chấp xảy ra thì pháp luật không bảo vệ quyền lợi cho bạn với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước.

Vì mức lãi suất vượt quá không đáng kể nên trường hợp này bạn cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự 1999.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về đòi lại tiền vay hộ cho người khác. Bạn nên tham khảo chi tiết các nội dung khác của Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào