Cho vay tiền bằng giấy viết tay có hợp pháp hay không?

Cho vay tiền bằng giấy viết tay có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Trần Thùy Linh, hiện đang sinh sống tại Bình Dương. Năm 2016, tôi có cho người quen vay 100 triệu đồng để làm ăn, thời hạn vay 6 tháng, không tính lãi suất. Vì là chỗ quen biết, tin tưởng lẫn nhau nên tôi chỉ viết giấy cho vay nợ có chữ ký của hai bên. Đến nay, đã trải qua thời gian dài nhưng bên vay không trả nợ cho tôi. Tôi đã nhiều lần liên hệ để đòi nợ nhưng bên vay cố tình né tránh tôi. Cho tôi hỏi việc tôi cho vay nợ bằng giấy viết tay thì có phù hợp với quy định pháp luật hay không? Tôi có thể khởi kiện để đòi lại 100 triệu đồng hay không? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (0905***)   

Đọc câu hỏi của bạn, chúng tôi hiểu được tâm trạng của bạn. Hiện nay, việc cho vay nợ bằng giấy viết tay là khá phổ biến đối với những người có quan hệ thân thiết, tin tưởng lẫn nhau và khi có tranh chấp xảy ra thì bên cho vay thường có tâm trạng băn khoăn, lo lắng về hiệu lực của giấy vay nợ viết tay. Với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự: 

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".

Như vậy, theo quy định này thì pháp luật không bắt buộc về hình thức của hợp đồng vay tài sản, theo đó hợp đồng vay tài sản có thể thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể. Vì vậy, giấy vay tiền viết tay giữa bạn và bên vay được xem là hợp đồng vay tài sản phù hợp quy định của pháp luật. 

Theo như bạn trình bày, vì đến hạn trả nợ nhưng bên vay không thực hiện nghĩa vụ của mình nên bạn có quyền khởi kiện đòi nợ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính quy định tại Khoản 2 Điều 189 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện;

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ ;

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện;

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết;

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Tóm lại: Việc bạn cho vay nợ bằng giấy viết tay là phù hợp với quy định pháp luật và bạn hoàn toàn có thể thực hiện quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, chúng tôi thường không khuyến khích khách hàng/bạn đọc của mình lựa chọn giải pháp này vì việc khởi kiện thường tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức của các bên. Do đó, để đòi lại số tiền 100 triệu đồng của mình, bạn hãy thương lượng, đàm phán với bên vay trước. Trường hợp sau khi đã nhiều lần yêu cầu mà bên vay vẫn cố tình né tránh nghĩa vụ trả nợ thì bạn hãy khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trân trọng! 

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào