Nông dân có được hưởng lương hưu?
Điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là bỏ quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện và bỏ quy định mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương cơ sở để phù hợp khả năng tham gia của người dân, điều này đã tạo cơ hội cho nông dân và lao động tự do tham gia nhiều hơn để nhận lương hưu - trợ cấp lúc về già.
Theo đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về BHXH bắt buộc. Mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Mặt khác, luật quy định người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng BHXH tự nguyện một cách linh hoạt, người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện.
Do đó, khi đã đủ điều kiện đóng BHXH 20 năm trở lên và đủ tuổi về hưu, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu, chế độ tử tuất và các quyền lợi khác tương đương với người đóng BHXH bắt buộc.
Cụ thể, mức hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Ngoài ra, người đã đóng BHXH trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ, khi nghỉ hưu ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp 1 lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 trở đi đối với nữ, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng sẽ nhận BHXH một lần. Theo đó, mỗi năm đóng BHXH (đủ 12 tháng) tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Nếu đóng BHXH thời gian chưa đủ 1 năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Thư Viện Pháp Luật