Công nhận đối với người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài được quy định như thế nào?

Công nhận đối với người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Phạm Minh Bảo, năm nay tôi 19 tuổi sắp tới đây tôi sẽ qua Nga để du học với ngành Luật Quốc tế, nhưng bố tôi lại hướng tôi học sang một ngành khác để sau này về nước có thể làm Luật hoặc có thể theo Ngành Công chứng viên như bố tôi hiện tại, vậy nếu tôi theo học một ngành đào tạo công chứng tại nước ngoài về thì có được xét công nhận để được hành nghề công chứng viên ở trong nước hay không. Vậy Anh/Chị cho tôi hỏi những đối tượng nào được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài nào thì được công nhận tại Việt Nam? Tôi có thể tham khảo nội dung này tại văn bản nào? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin chân thành cảm ơn!Phạm Minh Bảo (phamminhbao***@gmail.com)

Công nhận đối với người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài được quy định tại Điều 8 Thông tư 06/2015/TT-BTP quy định chi tiết và hưỡng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng do Bộ trưởng bộ Tư pháp ban hành có quy định về việc công nhận đối với người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài như sau:

1. Người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài được công nhận tương đương trong các trường hợp sau đây:

a) Có văn bằng đào tạo nghề công chứng được cấp bởi cơ sở đào tạo ở nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên;

b) Có văn bằng đào tạo nghề công chứng được cấp bởi cơ sở đào tạo ở nước ngoài mà chương trình đào tạo nghề công chứng đã được cơ quan kiểm định chất lượng của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp văn bằng.

2. Văn bằng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được công nhận theo quy định của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên. Người có văn bằng không phải làm thủ tục công nhận tương đương theo quy định của Thông tư này.

3. Người có văn bằng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này có yêu cầu công nhận tương đương đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 (một) bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp.

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Giấy đề nghị công nhận tương đương đào tạo nghề công chứng;

b) Bản dịch đã được công chứng hoặc chứng thực văn bằng đào tạo nghề công chứng quy định tại khoản 1 Điều này.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định công nhận tương đương đối với người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài; trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là câu trả lời của Ban Thư Ký về việc công nhận đối với người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài. Để hiểu rõ hơn về vấn đề công nhận đối với người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài bạn có thể tham khảo tại Thông tư 06/2015/TT-BTP.

Trân trọng!

 

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào