Ai được quyền đăng ký khai sinh cho trẻ, ngoài bố mẹ?
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con, nếu không có thể ông, bà hoặc những người thân thích khác làm việc này.
Về thủ tục đăng ký khai sinh, Điều 15 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định: Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấv chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Với các quy định nêu trên, nếu giấy chứng sinh của cháu đã bị mất thì người thân thích của cháu bé cần liên hệ với cơ sở y tế nơi cháu được sinh ra để được cấp lại giấy chứng sinh.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT–BYT của Bộ Y tế về cấp và sử dụng Giấy chứng sinh, trường hợp mất, rách, nát Giấy chứng sinh thì bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc trưởng thôn về việc sinh và đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng sinh mới như trường hợp cấp Giấy chứng sinh có nhầm lẫn. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không được quá 3 ngày làm việc.
Sau khi được cấp giấy chứng sinh, người thân thích của cháu liên hệ với UBND cấp xã nơi cư trú của người cha để được cấp Giấy khai sinh.
Trong quá trình xin cấp Giấy khai sinh mà có vướng mắc thì người thân thích của cháu cần liên hệ với Phòng Tư pháp của UBND cấp huyện hoặc Sở Tư pháp để được hướng dẫn cụ thể.
Thư Viện Pháp Luật