Chấp hành dự toán, quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định như thế nào?

Chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định như thế nào? Xin chào ban biên tập Thư Ký Luật, tên tôi là Nguyễn Quang Quân một cán bộ Toà án nay đã về hưu, lâu nay đọc trên các tạp chí Luật tôi có biết, hàng năm các cơ quan thi hành án sẽ đưa dự toán kinh phí cưỡng chế thi hành án cho cả năm. Vậy Anh/ Chị cho tôi hỏi? Việc chấp hành dự toán, quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự hàng năm được thực hiện như thế nào? Tôi có thể tham khảo nội dung này ở đâu? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Quang Quân (quangquan***@gmail.com)

Chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thi hành án dân sự hàng năm của các cơ quan thi hành dân sự được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 200/2016/TT-BTC quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, quy định về việc chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án trong thi hành án dân sự được quy định như sau:

Chấp hành dự toán, quyết toán:

a) Phân bổ dự toán: Trên cơ sở kinh phí thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế thi hành án đã được bố trí trong dự toán hàng năm và tình hình thực hiện chi phí cưỡng chế thi hành án đến cuối năm trước của các cơ quan thi hành dân sự, Bộ Tư pháp phân bổ và giao dự toán kinh phí ngân sách để tạm ứng chi cưỡng chế thi hành án cho các cơ quan thi hành án dân sự vào kinh phí không thực hiện tự chủ;

b) Điều chỉnh dự toán: Trong trường hợp xét thấy cần điều chỉnh dự toán kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự đã được giao, Bộ Tư pháp quyết định điều chỉnh phân bổ dự toán giữa các cơ quan thi hành án dân sự trong phạm vi nguồn kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án đã được ngân sách nhà nước giao;

c) Cuối năm, đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, số dư dự toán chưa sử dụng sẽ bị hủy bỏ theo quy định, số dư tạm ứng chi phí cưỡng chế còn lại sẽ thu hồi bằng cách giảm trừ vào dự toán của phần kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án đã bố trí trong dự toán hàng năm của cơ quan thi hành án dân sự;

d) Việc quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự thực hiện theo quy định hiện hành và tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán của cơ quan thi hành án dân sự.

Riêng đối với kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự tổng hợp báo cáo việc sử dụng kinh phí tạm ứng tổ chức cưỡng chế thi hành án (dự toán được giao, số kinh phí đã tạm ứng, số kinh phí đã thu hồi được; số kinh phí tạm ứng chưa thu hồi, nguyên nhân chưa thu hồi...) với cơ quan quản lý cấp trên. Bộ Tư pháp tổng hợp, gửi Bộ Tài chính cùng với báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm.

Như vậy cơ quan thi hành án sẽ dựa vào dự toán dự toán được duyệt để có mức phân bổ hợp lý, và trong trường hợp cần thiết thì vấn có thể điều chỉnh mức dự toán, và cuối năm việc quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trên đây là câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký luật về việc chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án trong thi hành án dân sự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn có thể thạm khảo tại Thông tư 200/2016/TT-BTC.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào