Chế tài xử lý quan chức tham nhũng nhưng tuồn tài sản cho người khác
Trường hợp quan chức tham nhũng sau đó tuồn tiền bất chính cho bồ nhí nhằm “hợp pháp hóa” là hành vi “rửa tiền”. Pháp luật Việt Nam đã có những chế tài xử lý hành vi tham nhũng cũng như hành vi “rửa tiền”. Cụ thể, Bộ luật hình sự 1999 đã quy định các tội phạm về tham nhũng (tại Chương XXI) và Luật phòng, chống rửa tiền 2012.
Hành vi rửa tiền được định nghĩa trong Khoản 1 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền 2012:
“1. Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:
a) Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;
b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;
c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.”
Pháp luật Việt Nam cũng quy định cụ thể mức hình phạt đối với hành vi rửa tiền. Cụ thể, theo quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;
b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.
Thư Viện Pháp Luật