Trường hợp nào phải xét xử lưu động?
Ngày nay với sự phát triển của công nghệ số, truyền hình, phim ảnh... thì có nhiều hình thức tuyên truyền sinh động mà không xâm phạm tới quyền nhân thân, quyền con người và gây những bất lợi cho bị cáo như xét xử lưu động vì vậy việc tiếp tục xét xử lưu động hay không là câu chuyện khiến nhiều nhà nghiên cứu pháp luật băn khoăn.
Bản thân tôi cho rằng chỉ nên xét xử lưu động trong những trường hợp thực sự thấy cần thiết. Bởi hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh nên việc khai thác lợi thế của các phương tiện này để tuyên truyền, PBGDPL cũng rất thuận tiện.Ngoài ra, các chương trình tuyên truyền, PBGDPL phát trên sóng truyền thanh, truyền hình cũng đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Để đi đến kết luận là có nên tiếp tục xét xử lưu động vụ án hình sự nữa hay không, theo tôi cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, cần có tổng kết thực tiễn, đánh giá đúng mức về hiệu quả cũng như hệ lụy của hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự đối với bị cáo và cộng đồng xã hội, đồng thời cần nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm của các nước phát triển về hoạt động xét xử công khai.
Hai là, nếu việc xét xử lưu động vụ án hình sự tiếp tục diễn ra thì cần phải có cơ sở pháp lý trên cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn.
Ba là, nếu quy định là một hoạt động xét xử thường xuyên của Tòa án thì phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của TTHS, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Vì vậy, để duy trì hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự thì cần phải có quy định và bảo đảm các tiêu chí xét xử lưu động vụ án hình sự như sau:
- Cần thiết lập cơ sở pháp lý cho hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự;
- Chỉ xét xử lưu động với vụ án hình sự theo trình tự sơ thẩm;
- Chỉ xét xử lưu động với vụ án hình sự mà nhận thức pháp luật của cộng đồng và nhận thức pháp luật của bị cáo, người bị hại trong vụ án còn hạn chế, với mục đích tuyên truyền, PBGDPL;
- Chỉ xét xử lưu động với vụ án hình sự mà loại tội đó có xu hướng phổ biến, gia tăng do thiếu hiểu biết pháp luật của người dân;
- Không xét xử lưu động với những vụ án xâm hại danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân;
- Không xét xử lưu động vụ án hình sự với những địa phương còn mang nặng những thành kiến, định kiến về người phạm tội để đảm bảo quyền lợi của bị cáo khi tái hòa nhập cộng đồng;
- Phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong TTHS khi thực hiện hoạt động xét xử lưu động, trong đó có nguyên tắc công bằng, bình đẳng, nguyên tắc suy đoán vô tội…;
- Phải đảm bảo tiết kiệm nhưng vẫn thế hiện sự uy nghiêm người tiến hành tố tụng, của cơ quan tiến hành tố tụng, sự nghiêm minh của pháp luật trong phiên tòa xét xử lưu động;
- Trong trường hợp kết quả điều tra xã hội học, đánh giá thực tiễn và nghiên cứu hệ thống pháp luật của các nước tiên tiến cho thấy hoạt động xét xử lưu động mang lại ít giá trị hơn là những hệ lụy cho xã hội thì cần chấm dứt hoạt động xét xử này đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong TTHS.
Thư Viện Pháp Luật