Hạn chế của hoạt động xét xử lưu động
Ngoài những mặt tích cực của hoạt động xét xử lưu động thì hoạt động này còn có những điểm hạn chế như sau:
- Bị cáo chỉ là người tình nghi, là nghi phạm chứ chưa thể khẳng định họ là người phạm tội (theo nguyên tắc suy đoán vô tội), họ chỉ bị hạn chế một số quyền công dân chứ không bị tước bỏ hoàn toàn. Vì thế, hoạt động xét xử lưu động sẽ dễ vượt quá cái ranh giới mà pháp luật cho phép về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân đối với các bị can, bị cáo. những bị can bị cáo sẽ bị "trừng phạt" bởi thái độ của cộng đồng trước khi họ bị tòa kết án;
- Địa điểm xét xử lưu động tại địa phương bị cáo khiến bị cáo phải xấu hổ với bà con, làng xóm nên nhiều trường hợp sau khi chấp hành án, bị cáo vì xấu hổ mà không dám trở lại quê hương, gây khó khăn cho công tác tái hòa nhập cộng đồng;
- Ngoài bị cáo phải chịu áp lực nặng nề thì gia đình, người thân của bị cáo cũng sẽ bị cộng đồng lên án, ghét bỏ, thành kiến... làm ảnh hưởng tới truyền thống, gia đình, họ hàng của bị cáo;
- Với những vụ án như tai nạn giao thông hoặc những vụ án có lỗi vô ý, những người phạm tội lần đầu thì bị cáo sẽ rất xấu hổ khi bị xét xử công khai tại nơi công cộng ở địa phương mình, có thể nói là bị cáo sẽ phải chịu "hai bản án" trong một phiên tòa đó là bản án của tòa án và sự kỳ thị của cộng đồng khiến bị cáo bị tổn thương, bị phải chịu chế tài nghiêm khắc hơn mức pháp luật quy định;
- Thường mức án trong các vụ xét xử lưu động cao hơn, nghiêm khắc hơn với những vụ án mà chỉ xét xử tại phòng xử thuộc trụ sở tòa án;
- Bởi mục đích chính là tuyên truyền pháp luật nên rất khó để tòa án có thể tuyên án bị cáo không có tội trong các vụ án xét xử lưu động, điều này là vấn đề bất lợi nhất mà bị cáo có thể phải gánh chịu, có thể bị oan mà ít cơ hội được mình oan;
- Hoạt động xét xử lưu động tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian, công sức, việc đảm bảo an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn... nguy cơ mất an toàn cao;
- Nhiều vụ án xét xử lưu động chưa thu hút được sự quan tâm của người dân dẫn đến hiệu quả tuyên truyền chưa cao;
Thư Viện Pháp Luật