Thủ tục hoàn trả các khoản bảo đảm tài chính để thi hành án vào ngân sách nhà nước được quy định như thế nào?

Thủ tục hoàn trả các khoản bảo đảm tài chính để thi hành án vào ngân sách nhà nước trong trường hợp người có lỗi gây ra thiệt hại trong thi hành án dân sự được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Trần Quốc Đạt một cán bộ hưu trí, tôi có một thắc mắc là về các khoản tài chính bảo đảm để thi hành án được lấy từ ngân sách nhà nước đối với các trường hợp có lỗi gây ra thiệt hại trong thi hành án dân sự có được hoàn trả hay không? Và thủ tục hoàn trả lại như thế nào? Vậy Anh/ Chị cho tôi hỏi quy định của pháp luật về vấn đề trên như thế nào? Nội dung của vấn đề này quy định tại văn bản nào? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin chân thành cảm ơn! Trần Quốc Đạt (quocdat***@gmail.com)

Thủ tục hoàn trả các khoản tài chính để bảo đảm thi hành án vào ngân sách nhà nước trong trường hợp có lỗi gây ra thiệt hại trong thi hành án dân sự được quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch 07/2016/TTLT-BTP-BTC hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi Thi hành án do Bộ trưởng Bộ tư pháp – Bộ Tài chính ban hành, có quy định về thủ tục hoàn trả như sau:

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc chi trả tiền thi hành án, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm ra quyết định về mức hoàn trả, thời hạn hoàn trả trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quy định tại Điều 3 của Thông tư này thu hồi số tiền hoàn trả của người gây thiệt hại để nộp ngân sách nhà nước.

Số tiền được thu hồi từ người có lỗi gây ra thiệt hại phải được nộp vào ngân sách Trung ương đối với các cơ quan, tổ chức phải thi hành án là đơn vị thuộc Trung ương quản lý do ngân sách Trung ương bảo đảm tài chính để thi hành án hoặc nộp vào ngân sách địa phương đối với các cơ quan, tổ chức phải thi hành án là đơn vị thuộc địa phương quản lý do ngân sách địa phương bảo đảm tài chính để thi hành án.

Việc quyết toán, thu, nộp ngân sách số tiền thu hồi được thực hiện theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.

2. Trong trường hợp người có lỗi gây ra thiệt hại đồng thời là Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức phải thi hành án ra quyết định về mức hoàn trả, thời hạn hoàn trả vào ngân sách nhà nước.

3. Quyết định hoàn trả phải ghi rõ mức hoàn trả, thời hạn hoàn trả, khoản người có lỗi đã thi hành xong theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này và khoản tiếp tục phải hoàn trả. Quyết định hoàn trả phải được gửi cho người có lỗi gây ra thiệt hại và những người có liên quan để thực hiện. Trong trường hợp có đơn yêu cầu được miễn, giảm mức hoàn trả, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Quyết định về việc miễn, giảm mức hoàn trả phải nêu rõ căn cứ pháp lý và lý do giải quyết.

4. Trường hợp người phải hoàn trả không thống nhất với mức hoàn trả hoặc từ chối hoàn trả thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính

Như vậy, các khoản bảo đảm tài chính được lấy ra từ ngân sách nhà nước đối với trường hợp có lỗi gây ra thiệt hại trong thi hành án dân sự vấn phải hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước, và thủ tục hoàn trả lại được thực hiện trên theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung của Ban biên tập Thư Ký Luật, về thủ tục hoàn trả các khoản bảo đảm tài chính để thi hành án vào ngân sách nhà nước trong trường hợp đối tượng có lỗi gây ra thiệt hại trong thi hành án dân sự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề hoàn trả các khoản bảo đảm tài chính đẻ thi hành án vào ngân sách nhà nước trong trường hợp đối tượng có lỗi gây ra thiệt hại trong thi hành án dân sự bạn có thể tham khảo tại Thông tư liên tịch 07/2016/TTLT-BTP-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào