Xác định mức hoàn trả của đối tượng có lỗi gây ra thiệt hại trong trình thi hành án dân sự được quy định như thế nào ?

Xác định mức hoàn trả của đối tượng có lỗi gây ra thiệt hại trong thi hành án dân sự được xác định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là một cán bộ đã nghỉ hưu, hiện đang sinh sống tại TP Vinh - Nghệ An qua đọc các tạp chí luật tôi có biết đến có trường hợp phải hoàn trả của đối tượng có lổi gây ra thiệt hại trong quá trình thi hành án dân sự. Vậy cho tôi hỏi mức thiệt hại phải hoàn trả lại đó được xác định như thế nào? Văn bản nào có quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin chân thành cảm ơn! Hữu Nam (huunam***@gmail.com)  

 Xác định mức hoàn trả của đối tượng có lỗi gây ra trong thi hành án dân sự, được quy định tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư liên tịch 07/2016/TTLT -BTP-BTC hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi Thi hành án do Bộ trưởng Bộ tư pháp – Bộ Tài chính ban hành, và có quy định như sau:

Xác định mức hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại

Việc xác định mức hoàn trả được thực hiện trên cơ sở xem xét mức độ lỗi; mức tiền thuộc trách nhiệm phải thi hành án; điều kiện kinh tế của người gây ra thiệt hại và theo nguyên tắc sau đây:

a) Trường hợp người có lỗi vô ý gây ra thiệt hại

Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án dưới 30 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định là tối đa không quá 01 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả;

Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 01 tháng lương và tối đa không quá 02 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả;

Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án trên 100 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 01 tháng lương và tối đa không quá 03 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

b) Trường hợp người có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án dưới 100 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 03 tháng lương và tối đa không quá 12 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả;

Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 12 tháng lương và tối đa không quá 24 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả;

Trường hợp số tiền ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án trên 500 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 24 tháng lương và tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

c) Trường hợp xác định người có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bảo đảm tài chính cho cơ quan, tổ chức phải thi hành án.

d) Lương của người có trách nhiệm hoàn trả theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 5 của Điều này bao gồm lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) của người đó tại thời điểm được xác định trong quyết định hoàn trả.

Như vậy mức hoàn trả không phải do một người nào đó trong cơ quan thi hành án ấn định mà do Hội đồng xác định người có lỗi gây ra thiệt hại xác định mức hoàn trả, và mức hoàn trả tùy thuộc vào mức độ lỗi của đối tượng gây ra thiệt hại, Hội đồng thành viên sẽ căn cứ vào đó để xác mức hoàn trả hợp lý nhất theo căn cứ luật đã định sẵn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật, về mức hoàn trả của đối tượng có lỗi gây ra trong thi hành án dân sư.Để hiểu rõ hơn về Xác định mức hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại trong thi hành án dân sự bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 07/2016/TTLT -BTP-BTC.

Trân trọng!

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào