Trách nhiệm đóng BHYT đối với người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân

Mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Thu Thủy trước đây tôi có công tác tại Tỉnh Bến Tre nay đã về hưu, qua đọc các tin tức tôi được biết trong các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, có một số đối tượng được người sử dụng lao động Công an đơn vị địa phương đóng bảo hiểm, một số đối tượng được nguồn ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm, và có cả một số đối tượng được hỗ trợ khoản đóng bảo hiểm y tế. Vậy Anh/Chị cho tôi hỏi mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng trên được quy định như thế nào? Tôi có thể tham khảo nội dung này tại văn bản nào? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Thu Thủy (thuthuynguyen***@gmail.com)

Mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 09/2015/TTLT-BCA-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công An - Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành, quy định về mức đóng bảo hiểm y tế như sau: 

1. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này thì mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế thực hiện như sau:

a) Mức đóng hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) hoặc 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động (đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động); trong đó, Công an đơn vị, địa phương đóng 2/3, người lao động đóng 1/3;

Đối với người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì số tiền đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của Công an đơn vị, địa phương và được trích từ ngân sách nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có thu thì số tiền đóng bảo hiểm y tế được hạch toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

b) Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, mức đóng hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức Bảo hiểm xã hội đóng;

c) Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;

d) Trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương của người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.

2. Đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này mức đóng hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng, số tiền ngân sách nhà nước đóng được xác định theo mức đóng bảo hiểm y tế và mức lương cơ sở tương ứng với thời hạn sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế. Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở thì số tiền ngân sách nhà nước đóng được điều chỉnh từ ngày áp dụng mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở mới.

3. Đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này mức đóng hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế, phần còn lại do sinh viên tự đóng.

Trên đây là câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký Pháp Luật về mức đóng bảo hiểm xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bạn có thể tham khảo tại Thông tư liên tịch 09/2015/TTLT-BCA-BYT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sinh viên

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào