Công đoàn ngành Trung ương được quy định như thế nào?
Công đoàn ngành Trung ương được quy định tại Điều 31 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 như sau:
1. Công đoàn ngành trung ương do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập hoặc giải thể phù hợp với đặc điểm của ngành.
Trường hợp trong một bộ có nhiều Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2. Đối tượng tập hợp của Công đoàn ngành Trung ương là đoàn viên, người lao động trong Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành.
Công đoàn ngành Trung ương trực tiếp quản lý và chỉ đạo Công đoàn Cơ quan Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty và tương đương thuộc bộ, ngành, theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn ngành Trung ương:
a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
b. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thuộc ngành.
c. Nghiên cứu tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của ngành:
- Nghiên cứu tham gia với bộ, ngành về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành, gắn với việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân lao động trong ngành.
- Nghiên cứu tham gia xây dựng pháp luật, các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, Bảo hộ Lao động, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến người lao động cùng ngành, nghề; tham gia cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chông lãng phí.
- Đại diện cho người lao động thương lượng ký thỏa ước lao động tập thể ngành.
- Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách thuộc ngành, nghề; tham gia các hội đồng của ngành để giải quyết các vấn đề có liên quan đến người lao động; kiến nghị với Cơ quan Nhà nước bổ sung, sửa đổi và giải quyết những chế độ, chính sách ngành, nghề đáp ứng yêu cầu phát triển ngành.
- Phối hợp hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội phù hợp với đặc điểm ngành.
d. Nghiên cứu đề xuất với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp thuộc Công đoàn ngành; hướng dẫn chỉ đạo Đại hội các Công đoàn cấp dưới; thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp.
đ. Hướng dẫn, chỉ đạo Công đoàn cấp dưới:
- Triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Công đoàn cấp trên, Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành Trung ương.
- Tham gia quản lý, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể.
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến đoàn viên và người lao động, vận động đoàn viên, người lao động nâng cao trình độ, nghề nghiệp. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội phù hợp với đặc điểm ngành.
e. Chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố chỉ đạo hướng dẫn các Công đoàn ngành địa phương thực hiện các nội dung: Chế độ, chính sách lao động ngành; tuyên truyền, giáo dục truyền thông ngành; phương hướng nhiệm vụ phát triển ngành; thành lập Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước cùng ngành.
g. Chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo các Công đoàn cơ sở của ngành đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố.
h. Thực hiện công tác đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
i. Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về công đoàn ngành Trung ương. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013.
Trân trọng!