Quy định về bảo quản vật liệu nổ công nghiệp
Bảo quản vật liệu nổ công nghiệp phải tuân theo quy định tại Điều 23 Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp. Cụ thể như sau:
1. Chỉ các tổ chức có giấy phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn được đầu tư xây dựng kho chứa vật liệu nổ công nghiệp. Việc đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định pháp luật liên quan.
2. Vật liệu nổ công nghiệp phải được bảo quản tại các kho chứa, địa điểm thỏa mãn các yêu cầu về an ninh, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về cấu trúc, vật liệu xây dựng và thỏa mãn các yêu cầu về phòng cháy, phòng nổ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện, an toàn cho người lao động và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định liên quan.
3. Lãnh đạo quản lý, thủ kho, người bảo vệ canh gác, người phục vụ liên quan đến bảo quản vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến bảo quản vật liệu nổ công nghiệp.
4. Trong quá trình hoạt động, ngoài các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định tổ chức, cá nhân quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Trang bị các thiết bị, phương tiện phục vụ việc bảo vệ canh gác, phòng cháy, phòng nổ, thông tin liên lạc, bốc dỡ và cấp phát vật liệu nổ công nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và quy định pháp luật liên quan. Không được sử dụng kho chứa vật liệu nổ công nghiệp cho các mục đích khác trong thời hạn hiệu lực quy định của giấy phép hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;
b) Xây dựng phương án chữa cháy, phương án bảo vệ an ninh trật tự, biện pháp xử lý và phối hợp với chính quyền địa phương trong các trường hợp có cháy, người xâm nhập trái phép và các trường hợp khẩn cấp khác. Đăng ký danh sách người quản lý, thủ kho, người phục vụ với cơ quan công an địa phương;
c) Căn cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, xây dựng quy trình thủ tục về canh gác bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát người ra vào, người làm việc trong kho, thủ tục xử lý, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp mất phẩm chất. Việc xuất nhập, cấp phát vật liệu nổ công nghiệp phải đúng quy trình, đối tượng đã được lãnh đạo đơn vị phê duyệt.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bảo quản vật liệu nổ công nghiệp. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật