Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định tại Điều 2 Nghị định 69/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của bộ đã được phê duyệt và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng xã hội học tập và phân luồng giáo dục.
2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
3. Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình hành động quốc gia và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ hoặc theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
4. Ban hành thông tư và các văn bản khác về lĩnh vực thuộc phạm vi quản nhà nước của bộ.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình hành động quốc gia, các dự án, công trình quan trọng quốc gia sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục, đào tạo.
6. Về mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục:
a) Quy định mục tiêu giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;
b) Ban hành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên;
c) Ban hành, cập nhật và hướng dẫn danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy chế đào tạo và liên kết đào tạo;
d) Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo đối với các trình độ đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
7. Về sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu:
a) Quy định việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt tài liệu được phép sử dụng; hướng dẫn việc lựa chọn tài liệu trong các cơ sở giáo dục mầm non;
b) Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông;
c) Quy định việc tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình đào tạo trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; tổ chức biên soạn giáo trình các môn lý luận chính trị, quốc phòng và an ninh để làm tài liệu sử dụng thống nhất trong giảng dạy, học tập trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ;
d) Chỉ đạo tổ chức biên soạn tài liệu xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ và các tài liệu giáo dục thường xuyên khác.
8. Về quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ:
a) Chủ trì xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ký hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế;
b) Ban hành quy chế thi, tuyển sinh; quy định về kiểm tra và đánh giá người học;
c) Quy định về mẫu văn bằng, chứng chỉ; việc in và quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ;
d) Quy định việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam; quy định văn bằng công nhận trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng cho người được đào tạo chuyên sâu sau khi tốt nghiệp đại học ở một số ngành chuyên môn đặc thù;
đ) Quy định trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc cấp văn bằng giáo dục đại học tại Việt Nam.
9. Về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục:
a) Quy định chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, đào tạo;
b) Quy định tiêu chuẩn người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục mầm non, phổthông, giáo dục thường xuyên, trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học; hướng dẫn tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo; quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo;
c) Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư;
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành quy chế thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;
đ) Quản lý, hướng dẫn thực hiện các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; theo dõi, giám sát tình hình thực hiện tuyển dụng, sử dụng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại các bộ, ngành và địa phương.
10. Quản lý cơ sở vật chất và thiết bị trường học:
a) Xây dựng công bố theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị trường học và vệ sinh học đường;
b) Quản lý cơ sở vật chất, thiết bị trường học trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
11. Quản lý tài chính, tài sản và đầu tư công:
a) Lập dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm của bộ; quản lý tài sản các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo; cơ chế thu, sử dụng giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với các loại hình trường thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;
c) Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện ngân sách thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại các bộ, ngành và địa phương;
d) Ban hành, hướng dẫn việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
đ) Lập kế hoạch đầu tư công của bộ, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật đầu tư công; quản lý, triển khai các dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật; theo dõi, đánh giá, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong lĩnh vực đầu tư công do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoặc theo quy định của pháp luật;
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách học bổng. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên, gia đình chính sách và các chính sách khác đối với người học.
12. Bảo đảm chất lượng giáo dục:
a) Ban hành chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam; hướng dẫn chi tiết thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng; điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo;
b) Xây dựng, trình Chính phủ quy định điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm; điều kiện và thủ tục cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các trường đại học, học viện, đại học và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài;
c) Quyết định cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục mở hoặc đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học và ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; quyết định cho phép mở hoặc đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ;
d) Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn công tác đảm bảo chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
13. Kiểm định chất lượng giáo dục:
a) Quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục ở các cấp học và các trình độ đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;
b) Xây dựng, trình Chính phủ quy định điều kiện thành lập, giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
c) Quy định việc cấp và thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, đào tạo, chương trình giáo dục, đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
14. Quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo:
a) Ban hành điều lệ, quy chế trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;
b) Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên;
c) Xây dựng trình Chính phủ quy định điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách giải thể các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại học quốc gia. Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.
15. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
16. Hợp tác quốc tế:
a) Quản lý, hướng dẫn cơ sở giáo dục đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước thực hiện hợp tác quốc tế trong giảng dạy, đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về quản lý hoạt động của cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam;
b) Ban hành quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Hướng dẫn việc dạy và học tiếng Việt cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.
17. Về hoạt động khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường:
a) Xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục bảo vệ môi trường trong các cơ sở giáo dục, đào tạo;
b) Phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án, dự án phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục bảo vệ môi trường trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trực thuộc bộ.
18. Về dịch vụ sự nghiệp công:
a) Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
b) Hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật và hỗ trợ các tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
19. Về công tác thống kê, xây dựng dữ liệu ngành:
a) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác thống kê; thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý và lưu trữ thông tin thống kê; xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê ngành giáo dục, đào tạo;
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, đào tạo.
20. Về công nghệ thông tin:
a) Xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
b) Phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án, dự án về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
21. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức người lao động; thực hiện chính sách tiền lương và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
22. Thanh tra; kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
23. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quy định về Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 69/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật