Việc sao, lưu văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông được thực hiện thế nào?

Việc sao, lưu văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Mỹ Linh, hiện đang công tác tại Tòa soạn báo Sài Gòn giải phóng. Gần đây, do nhu cầu công việc, tôi có tìm hiểu về cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt  động của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tôi thắc mắc không biết với việc ban hành cũng như xử lý một số lượng văn bản rất lớn do các đơn vị trình lên thì việc sao, lưu văn bản của Bộ sẽ được tiến hành như thế nào cho hiệu quả. Có văn bản nào quy định nội dung này hay không? Rất mong nhận được phản hồi từ Quý Ban biên tập. Xin cảm ơn rất nhiều!  Hồ Thị Mỹ Linh (linhho***@gmail.com)

Việc sao, lưu văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định tại Điều 32 Quy chế làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Quyết định 727/QĐ-BTTTT. Theo đó: 

1. Mỗi văn bản phát hành đi, bao gồm cả công hàm, công điện và văn bản đối ngoại, phải lưu ít nhất hai bản chính: Một bản lưu tại Văn thư Bộ và một bản lưu trong hồ sơ của đơn vị trình.

2. Các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả Điều ước quốc tế, được lưu ít nhất ba bản chính: Một bản lưu tại Văn thư Bộ, một bản lưu tại Vụ Pháp chế và một bản lưu tại đơn vị chủ trì.

3. Việc sao gửi văn bản đi trong cơ quan Bộ được thực hiện như sau:

a) Tất cả các văn bản phát hành đi của Bộ do Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo các đơn vị ký đều phải gửi Lãnh đạo Bộ (có thể gửi qua Hệ thống quản lý văn bản quản lý điều hành của Bộ).

b) Đơn vị soạn thảo báo cáo Lãnh đạo Bộ ký văn bản để quyết định việc sao gửi cho các đơn vị có liên quan (nếu cần).

c) Việc sao gửi đối với các văn bản thuộc chế độ mật phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc sao, lưu văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 727/QĐ-BTTTT. 

Trân trọng!

 

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Thông tin và Truyền thông

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào