Trực ban chạy tàu ga là gì?

Trực ban chạy tàu ga là gì? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Hoàng Hải, em đang là sinh viên tại ĐH GTVT Hà Nội, Khoa Công trình. Để hoàn thành bài báo cáo của mình, em có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp em. Trực ban chạy tàu ga là gì và trách nhiệm của trực ban chạy tàu ga được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Em xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (hai.gtvt8***@***.com)

Trực ban chạy tàu ga được định nghĩa tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 38/2010/TT-BGTVT Quy định về tiêu chuẩn chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:

Trực ban chạy tàu ga: là người điều hành việc lập tàu, xếp dỡ hàng hóa, đón tiễn hành khách, tổ chức công tác dồn, đón, tiễn tàu và các việc khác có liên quan tại nhà ga theo biểu đồ chạy tàu, các mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm chạy tàu; tham gia giải quyết tai nạn, sự cố giao thông đường sắt theo quy định.

Ngoài ra, trách nhiệm của trực ban chạy tàu ga còn được quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định 14/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt như sau:

- Chấp hành quy định ghi trong giấy phép đối với hàng nguy hiểm về loại, nhóm, tên hàng nguy hiểm quy định phải có giấy phép;

- Thực hiện các chỉ dẫn ghi trong thông báo của người thuê vận tải hàng nguy hiểm;

- Lập hồ sơ hàng nguy hiểm gồm giấy vận chuyển, sơ đồ xếp hàng và các giấy tờ có liên quan khác;

- Thường xuyên hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng trên phương tiện, bảo quản hàng nguy hiểm trong quá trình vận tải khi không có người áp tải hàng;

- Khi phát hiện hàng nguy hiểm có sự cố, đe dọa đến an toàn của người, phương tiện, môi trường và hàng hóa khác trong quá trình vận tải, khẩn trương thực hiện các biện pháp hạn chế hoặc loại trừ khả năng gây hại của hàng nguy hiểm; lập biên bản, báo cáo Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất và các cơ quan liên quan xử lý. Trường hợp vượt quá khả năng xử lý, phải báo cáo cấp trên và người thuê vận tải hàng nguy hiểm để giải quyết kịp thời.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về khái niệm trực ban chạy tàu ga và trách nhiệm của trực ban chạy tàu ga. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 38/2010/TT-BGTVT và Nghị định 14/2015/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào