Người lao động thành lập Công đoàn cơ sở như thế nào?

Người lao động thành lập Công đoàn cơ sở như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), em đang có nhu cầu tìm hiểu những quy định của pháp luật về tổ chức công đoàn ở Việt Nam và cụ thể là quy định về tổ chức công đoàn cơ sở. Nhưng trong quá trình nghiên cứu những quy định của pháp luật về tổ chức này, có một số vấn đề mà em chưa rõ lắm về vấn đề người lao động thành lập công đoàn cơ sở. Chính vì vậy, Em có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Người lao động thành lập Công đoàn cơ sở được quy định thế nào? Em có thể tham khảo nội dung này ở đâu? Rất mong nhận được giải đáp từ Ban biên tập. Em xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật.  Nguyễn Thụy Khanh (khanh***@gmail.com)

Người lao động thành lập Công đoàn cơ sở được quy định tại Khoản 1 Điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 như sau:

a. Người lao động tổ chức Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và được Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ.

Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ đề nghị với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về hướng dẫn việc tuyên truyền, vận động, thu nhận đơn gia nhập Công đoàn của người lao động và chuẩn bị việc tổ chức Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.

b. Khi có đủ số lượng người lao động tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn theo quy định tại khoản 1, Điều 16, Điều lệ này thì Ban vận động tổ chức Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

c. Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ công bố danh sách người lao động xin gia nhập Công đoàn; tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở; bầu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở.

d. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ra quyết định công nhận đoàn viên và Công đoàn cơ sở.

đ. Hoạt động của Công đoàn cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở chỉ hợp pháp sau khi có quyết định công nhận của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc người lao động thành lập Công đoàn cơ sở. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào