Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để mua trả góp có được không?

Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để mua trả góp có được không? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Thanh Mai, hiện đang sinh sống ở Bình Thuận, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp. Bạn tôi là An bị một người bạn là Bình lợi dụng mượn giấy chứng minh nhân dân một lúc. Sau đó vài tháng thì phát hiện ra là người đó dùng chứng minh nhân dân để mua đồ trả góp nhưng không đóng đầy đủ các khoản và nợ tăng từ 2 triệu ban đầu 4 tháng không trả đúng hạn lên đến 6 triệu đồng. Chúng tôi đã cảnh báo và nhắc nhở người đó nghiêm túc trả các khỏan nợ. Nhưng một thời gian sau người đó vẫn không có và ngân hàng đã gửi giấy tờ về cho gia đình. Và phát hiện ra trên hợp đồng chỉ có giấy chứng minh nhân dân là của bạn tôi còn những thông tin gia đình hộ khẩu đều có yếu tố sai sót. Vậy tôi muốn hỏi giờ phải làm thế nào để giải quyết? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! Email: thanh.mai***@gmail.com

Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để mua trả góp là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 quy định:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo thông tin bạn cung cấp, Bình lợi dụng An mượn chứng minh nhân dân một lúc, nhưng sau đó, mới phát hiện ra Bình dùng chứng minh nhân dân để mua đồ trả góp nhưng lại không trả đầy đủ, giá trị lên đến 6 triệu đồng. Trong trường hợp này, nếu hành vi của Bình thể hiện rõ mục đích gian dối trong việc mượn chứng minh nhân dân và cung cấp thông tin để mua đồ trả góp và không trả nợ, hành vi này nếu có mục đích chiếm đoạt tài sản thì Bình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu thỏa mãn các yếu tố còn lại của cấu thành tội phạm.

Trong trường hợp này bạn cần làm đơn trình báo đến cơ quan công an có thẩm quyền tại nơi cư trú của B để trình báo sự việc. 

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để mua trả góp. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào