Ban chấp hành công đoàn có những quyền hạn gì trong tổ chức bộ máy làm việc?
Quyền hạn của Ban Chấp hành công đoàn về tổ chức bộ máy làm việc được quy định tại Điều 14 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 như sau:
Ban Chấp hành Công đoàn các cấp căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, khả năng tài chính và các quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, báo cáo với cấp ủy đảng cùng cấp (nếu có) trước khi quyết định tổ chức bộ máy; thông báo cho các Cơ quan chuyên môn, chủ doanh nghiệp hoặc chính quyền cùng cấp thực hiện trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra nội dung quy định trên còn được hướng dẫn bởi Điều 10 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ năm 2014 như sau:
Tổ chức bộ máy các cấp công đoàn và biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách trong hệ thống Công đoàn thực hiện thống nhất theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và phân cấp của Đảng. Ban chấp hành công đoàn các cấp căn cứ vào khả năng tài chính được phân cấp và nhiệm vụ để tổ chức bộ máy làm việc và bố trí cán bộ chuyên trách công đoàn đảm bảo không vượt quá quy định của Tổng Liên đoàn. Hàng năm các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thực hiện báo cáo theo định kỳ tình hình tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách về Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền hạn của Ban Chấp hành về tổ chức bộ máy làm việc. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013.
Trân trọng!