Ban Chấp hành Công đoàn các cấp được quy định như thế nào?
Ban Chấp hành Công đoàn các cấp được quy định tại Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 như sau:
1. Ban Chấp hành là Cơ quan Lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội của mỗi cấp Công đoàn, do Đại hội Công đoàn cấp đó bầu ra. Ban Chấp hành Công đoàn cấp dưới phải được Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận.
a. Trường hợp cần thiết, Công đoàn cấp trên trực tiếp được quyền chỉ định bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành và các chức danh trong Cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Công đoàn cấp dưới.
b. Khi thành lập mới hoặc tách, nhập tổ chức Công đoàn hoặc những đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn hoặc chỉ định bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn hoặc công nhận Ban Chấp hành.
Thời gian hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn không quá
12 tháng.
2. Ban Chấp hành Công đoàn ở cấp nào là đại diện của đoàn viên và người lao động cấp đó. Ở Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở thì Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện quyền và trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động ở đó yêu cầu.
3. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành cấp nào do Đại hội Công đoàn cấp đó quyết định và không vượt quá số lượng quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
a. Khi khuyết Ủy viên Ban Chấp hành ở cấp nào, thì Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể hoặc Ban Chấp hành cấp đó bầu bổ sung. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành bầu bổ sung trong nhiệm kỳ Đại hội đối với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên không vượt quá một phần ba (1/3) và Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn không vượt quá một phần hai (1/2) số lượng Ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định.
b. Trường hợp đặc biệt cần bổ sung mà số Ủy viên Ban Chấp hành bầu bổ sung đã vượt quá số lượng quy định tại điểm a, khoản 3 điều này, hoặc vượt quá số lượng Đại hội đã thông qua, thì phải được sự đồng ý của Công đoàn cấp trên trực tiếp, theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc bầu bổ sung số Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vượt quá số lượng Đại hội Công đoàn toàn quốc đã thông qua do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, quyết định nhưng không quá ba phần trăm (3%) số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Đại hội Công đoàn toàn quốc quyết định.
c. Ủy viên Ban Chấp hành các cấp khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác thì đương nhiên thôi tham gia Ban Chấp hành, kể từ thời điểm nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác ghi trong quyết định.
d. Trường hợp Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ Công đoàn chuyên trách Công đoàn, khi thôi chuyên trách Công đoàn nhưng còn công tác tại ngành hoặc địa phương, đơn vị thì do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó xem xét việc tiếp tục tham gia hoặc không tham gia Ban Chấp hành và đề nghị Công đoàn cấp trên quyết định.
đ. Trường hợp Ủy viên Ban Chấp hành có đơn xin thôi tham gia Ban Chấp hành thì do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó xem xét và đề nghị Công đoàn cấp trên quyết định, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, quyết định.
4. Nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp:
a. Bầu các chức danh trong Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn.
b. Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp mình.
c. Thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Công đoàn cấp trên.
d. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động đối với Công đoàn cấp dưới.
đ. Đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn hoạt động; hướng dẫn, giúp đỡ, can thiệp và bảo vệ cán bộ Công đoàn khi bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng; Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên hỗ trợ, giúp đỡ Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở thực hiện quyền tổ chức và Lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật.
e. Định kỳ báo cáo tình hình tổ chức hoạt động Công đoàn cấp mình với cấp ủy đảng đồng cấp, Công đoàn cấp trên và thông báo cho Công đoàn cấp dưới.
g. Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế Công đoàn theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
5. Hội nghị định kỳ của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp:
a. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Ban Chấp hành Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, một năm họp hai lần. Trường hợp cần thiết có thể triệu tập họp bất thường.
b. Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở một năm họp ít nhất hai lần.
c. Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn, Công đoàn cơ sở thành viên ba tháng họp ít nhất một lần.
Ngoài ra, nội dung trên còn được hướng dẫn bởi Điều 9 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ năm 2014
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về Ban Chấp hành Công đoàn các cấp. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013.
Trân trọng!