Hoạt động vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động như thế nào?
Hoạt động vật liệu nổ công nghiệp theo Khoản 16 Điều 3 Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp là việc thực hiện một trong số hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy, giám sát ảnh hưởng nổ mìn.
Bạn cần phải lưu ý, khi tiến hành hoạt động vật liệu nổ công nghiệp thì theo Điều 4 Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp, bạn cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sau:
1. Nhà nước độc quyền về sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Số lượng, phạm vi, quy mô các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở phù hợp quy hoạch phát triển vật liệu nổ công nghiệp và điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng thời kỳ, chống lạm dụng vị trí độc quyền, bảo đảm lợi ích quốc gia, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.
2. Xây dựng, phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp tiên tiến, hoàn chỉnh từ sản xuất nguyên liệu đến sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nền kinh tế quốc dân và xuất khẩu. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, khai thác tối đa năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng và các ngành công nghiệp hóa chất trong phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp.
3. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp chỉ được hoạt động khi đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, phòng cháy, chữa cháy và các quy định liên quan bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, an toàn cho con người, tài sản và môi trường thiên nhiên.
Trên đây là phần hỗ trợ của Ban biên tập Thư Ký Luật về nội dung hoạt động vật liệu nổ công nghiệp. Ngoài các nội dung trên, bạn nên tham khảo thêm các điều khoản khác của Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp để nắm rõ hơn các quy định liên quan.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật