Quy trình tiếp nhận và quản lý văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra như thế nào?
1. Văn phòng Bộ tiếp nhận tất cả các văn bản đến Bộ và có trách nhiệm chuyển cho các đơn vị; quản lý văn bản phát hành, in sao, lưu trữ văn bản, hồ sơ tài liệu; đôn đốc và lập hồ sơ theo dõi thời gian xử lý văn bản tại các đơn vị và báo cáo tổng hợp tình hình xử lý văn bản của các đơn vị tại cuộc họp giao ban của Bộ.
2. Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tình hình xử lý văn bản, quản lý hồ sơ, tài liệu của đơn vị mình. Đơn vị có trách nhiệm thống kê, cập nhật đầy đủ văn bản và thông tin về quá trình xử lý văn bản của đơn vị mình vào máy tính theo Hệ thống quản lý văn bản điều hành.
3. Cán bộ, công chức có trách nhiệm nghiên cứu, xử lý văn bản đến; soạn thảo văn bản đúng thủ tục, đúng thời hạn và chịu trách nhiệm về hình thức, thể thức, nội dung văn bản mình soạn thảo; lập hồ sơ công việc, quản lý hồ sơ, tài liệu và thực hiện chế độ bảo mật theo quy định của pháp luật.
4. Chuyên viên giúp việc Lãnh đạo Bộ có trách nhiệm theo dõi, quản lý hồ sơ tài liệu gửi Lãnh đạo Bộ; kiểm tra thủ tục trình, hồ sơ trước khi trình Lãnh đạo Bộ duyệt, ký.
5. Văn bản sau khi giải quyết xong đều phải lập thành hồ sơ công việc do cán bộ, công chức phụ trách phần việc đó quản lý và có trách nhiệm nộp lưu hồ sơ, tài liệu về Văn phòng Bộ theo đúng quy định. Khi thay đổi công tác hoặc nghỉ hưu, cán bộ, công chức phải bàn giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho người mới thay, có sự xác nhận của Lãnh đạo đơn vị. Đối với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có tư cách pháp nhân thì văn bản hành chính có đóng dấu của đơn vị được lưu trữ tại đơn vị.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quy trình tiếp nhận và quản lý văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 727/QĐ-BTTTT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật