Cho thôi việc trái pháp luật
Căn cứ vào hướng dẫn tại điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/ NĐ-CP thì việc công ty thực hiện giải thể văn phòng 2 với mục đích tổ chức lại lao động nhằm tinh gọn bộ máy, cơ quan thuộc trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 BLLĐ 2012.
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 36 BLLD 2012 thì người sử dụng lao động có quyền cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ. Khi đó, theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 44, Điều 46 BLLĐ 2012 thì người sử dụng lao động phải thực hiện những nghĩa vụ sau:
-Trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
-Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Căn cứ vào nội dung câu hỏi và những phân tích nêu trên, công ty trong trường hợp này phải thực hiện các bước như sau:
Một là, công ty phải lên phương án sử dụng lao động, có sự tham gia của công đoàn cơ sở, gồm các nội dung chủ yếu là:
-Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng.
-Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu.
-Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian, người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động.
-Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Hai là, khi người lao động không muốn tiếp tục công việc thì công ty sẽ yêu cầu người lao động trình bày rõ lý do bằng văn bản.
Ba là, nếu như không thể giải quyết được việc làm và phải cho người lao động thôi việc thì công ty phải trao đổi với công đoàn cơ sở, sau đó phải gửi thông báo trước 30 ngày cho Sở lao động Thương binh - Xã hội.
Bốn là, công ty phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 BLLĐ 2012.
Như vậy, trong tình huống nêu trên nếu như công ty ra thông báo cho thôi việc chị A nhưng không lên phương án sử dụng lao động, không trao đổi với công đoàn cơ sở và gửi thông báo trước 30 ngày cho Sở lao động Thương binh - Xã hội thì công ty đã ra thông báo cho thôi việc trái pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc cho thôi việc người lao động trái pháp luật. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật Lao động 2012.
Trân trọng!