Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động như thế nào?

Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Tiểu Phương, hiện tại tôi đang làm nhân viên kinh doanh Bất động sản tại TP.HCM. Gần đây, bạn bè có rủ rê tôi cùng nhau mở công ty kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, do nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ sắp tới sẽ tăng cao do mở rộng khu dân cư và khai thác khoáng sản. Do việc kinh doanh liên quan đến thuốc nổ nên tôi rất băn khoăn, không hiểu hoạt động kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động như thế nào? Rồi còn điều kiện để kinh doanh, các yêu cầu khi kinh doanh như thế nào? Văn bản nào quy định các vấn đề trên? Mong nhận được sự hổ trợ của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! Email: phuong.tieuthu***@gmail.com

Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo Khoản 12 Điều 3 Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển quá cảnh vật liệu nổ công nghiệp.

Theo như bạn trình bày thì rất có thể, nếu thành lập, công ty của bạn sẽ hoạt động mua, bán, xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp. Để tiến hành hoạt động kinh doanh này, công ty bạn phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp như sau:

1. Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 25 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30 tháng 6 năm 2011.

2. Địa điểm kho chứa, bến cảng, nơi tiếp nhận bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và quy định liên quan.

3. Hệ thống phân phối và đảm bảo chất lượng cho khách hàng có cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với nhiệm vụ, quy mô kinh doanh; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và cung cấp dịch vụ nổ mìn của thị trường.

4. Kho chứa, thiết bị bốc dỡ, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy mô và đặc điểm hoạt động kinh doanh, thoả mãn các yêu cầu quy định tại Mục 6 Nghị định này; trường hợp không có kho, phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với các tổ chức được phép bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.

5. Lãnh đạo quản lý, công nhân, người phục vụ liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

Khi tiến hành hoạt động kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thì theo quy định tại Điều 20 Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp, ngoài các quyền và nghĩa vụ khác do luật pháp quy định, tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Lập kế hoạch về sản lượng, chủng loại tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp cần dự trữ và sản lượng, chủng loại tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp cung ứng, xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm theo nhu cầu đã cam kết với với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tổ chức có giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; thực hiện dự trữ quốc gia theo quy định.

2. Thực hiện nhiệm vụ kinh doanh tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo đúng quy định tại Giấy phép kinh doanh, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp. Kinh doanh tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp thông qua hợp đồng được lập thành văn bản.

3. Chỉ được bán các loại vật liệu nổ công nghiệp đã có trong Danh mục vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam cho tổ chức có Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Phải mua lại vật liệu nổ công nghiệp thừa, chưa sử dụng của các tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hợp pháp có nhu cầu bán.

4. Thực hiện công bố phù hợp quy chuẩn đối với tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng sản phẩm, bao gói, ghi nhãn theo quy chuẩn công bố khi đưa vào lưu thông, sử dụng.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hoạt động kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Ngoài các nội dung đã được hỗ trợ nêu trên, bạn nên tham khảo thêm các nội dung khác quy định tại Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp để hiểu rõ hơn các áp dụng và các điều kiện khác khi tiến hành hoạt động này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào