Quyền của người được bảo vệ trong tố tụng hình sự là gì?

Quyền của người được bảo vệ trong tố tụng hình sự là gì? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Võ Hồng Sơn, là sinh viên ngành Luật, trường đại học Luật TpHCM. Em hiện đang học môn học về tố tụng hình sự. Trong quá trình tìm hiểu về môn học và đi dự nhiều phiên Tòa hình sự, em gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Cụ thể, em vẫn không rõ vấn đề quyền của người được bảo vệ trong tố tụng hình sự là gì? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Em xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (tinbc**@***)  

Quyền của người được bảo vệ trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 4 Nội quy phiên Tòa ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc Phòng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành cụ thể như sau:

1. Được cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, vụ án hình sự giải thích về quyền được bảo vệ, được yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình khi có căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại.

Yêu cầu phải được thể hiện bằng văn bản. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể yêu cầu trực tiếp bằng lời nói hoặc thông qua các phương tiện thông tin liên lạc, nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.

2. Được biết trước về các biện pháp bảo vệ và có quyền đề nghị thay đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ nếu có căn cứ thực tế cho thấy biện pháp bảo vệ trước đó không bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của họ.

3. Được đền bù trong trường hợp bị thiệt hại về tài sản; được trợ cấp trong trường hợp bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe theo quy định của pháp luật.

4. Đối với trường hợp người được bảo vệ là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người đang làm việc trong các tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân, viên chức, chiến sĩ Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân thì không bị điều chuyển, giáng cấp, hạ bậc lương, tiền thưởng ... vì lý do vắng mặt trong thời gian cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Trên đây là phần tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền của người được bảo vệ trong tố tụng hình sự. Để tìm hiểu rõ hơn, vui lòng xem thêm tại Thông tư liên tịch 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC

Trân trọng! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào