Nhiệm vụ của người được phân công trực tiếp giúp đỡ người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Nhiệm vụ của người được phân công trực tiếp giúp đỡ được quy định tại Điều 4 Thông tư 55/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý và giáo dục người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại các cơ sở trợ giúp trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành như sau:
Người được phân công trực tiếp giúp đỡ đối tượng thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Thu thập thông tin về đối tượng và gia đình.
2. Đánh giá đặc điểm tâm sinh lý, thể chất và nhu cầu trợ giúp của đối tượng.
3. Xây dựng và trình người đứng đầu cơ sở phê duyệt kế hoạch quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng, gồm:
a) Mục tiêu quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng;
b) Nội dung hoạt động quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng, gồm: Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng; giáo dục về kỹ năng sống, hướng nghiệp; hỗ trợ đối tượng tham gia các chương trình học tập phù hợp; tư vấn, trị liệu tâm lý; tìm gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng (nếu có); hỗ trợ dạy nghề, việc làm; kết nối cá nhân, gia đình, cộng đồng và các tổ chức để trợ giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng;
d) Theo dõi, đánh giá và đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch (nếu cần thiết);
đ) Thời gian thực hiện.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhiệm vụ của người được phân công trực tiếp giúp đỡ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 55/2015/TT-BLĐTBXH.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật