Quyền lợi và trách nhiệm của lưu học sinh là gì?
Quyền lợi và trách nhiệm của lưu học sinh được quy định tại Điều 3 Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài ban hành kèm theo thông tư 10/2014/TT-BGDĐT như sau:
1. Quyền lợi của lưu học sinh
a) Lưu học sinh có kết quả học tập, nghiên cứu xuất sắc, được cơ sở giáo dục nước ngoài xác nhận sẽ được ưu tiên trong việc xét chọn và tạo điều kiện để tiếp tục học ở trình độ cao hơn;
b) Lưu học sinh được về nước thực tập, thu thập tài liệu để phục vụ chương trình học tập; được nghỉ hè, nghỉ lễ theo quy định của cơ sở giáo dục; trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ được về nước, đi thăm thân nhân ở nước khác (nước thứ ba), mời thân nhân đến thăm nếu được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại đồng ý;
c) Lưu học sinh được Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo hộ về lãnh sự, bảo vệ quyền lợi chính đáng trong thời gian lưu trú học tập ở nước ngoài; trường hợp có nhu cầu giải quyết những vấn đề về lãnh sự (hộ chiếu, thị thực) và những vấn đề về tư pháp (đăng ký kết hôn, khai sinh) được Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giải quyết theo thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của lưu học sinh
a) Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam, pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại; thực hiện nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục; giữ gìn và phát triển quan hệ hữu nghị với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư nước sở tại;
b) Thực hiện đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định hiện hành của Bộ Ngoại giao. Tích cực tham gia các hoạt động do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Thực hiện đăng ký thông tin lưu học sinh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh, báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Quy chế này;
c) Lưu học sinh học bổng phải thực hiện đúng quy định về thời gian học, trình độ đào tạo, ngành học, nước đi học và cơ sở giáo dục theo Quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp có lý do chính đáng phải thay đổi thời gian học, ngành học, nước đi học, cơ sở giáo dục thì thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 9 của Quy chế này;
d) Lưu học sinh học bổng không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp thì phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định hiện hành.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền lợi và trách nhiệm của lưu học sinh. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 10/2014/TT-BGDĐT.
Trân trọng!