Thành phần Hội đồng xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp

Thành phần Hội đồng xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp được quy định như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang muốn tìm hiểu những quy định về thủ tục xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Vì thế, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Thành phần Hội đồng xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp gồm những ai? Văn bản nào quy định nội dung này? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Quan Linh (linh_bich***@gmail.com)

Thành phần Hội đồng xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp được quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 78/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ như sau:

a) Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên phản biện và các thành viên khác. Các thành viên Hội đồng là đại diện cho các cơ sở đã ứng dụng kết quả công trình, các nhà khoa học, nhà công nghệ, nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu lĩnh vực khoa học và công nghệ của công trình.

Chủ tịch Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp là nhà khoa học có uy tín, am hiểu lĩnh vực khoa học và công nghệ của công trình.

Hội đồng phân công thành viên là chuyên gia am hiểu sâu lĩnh vực khoa học của công trình làm ủy viên phản biện viết nhận xét, đánh giá công trình. Trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan tổ chức xét tặng giải thưởng có thể mời thêm chuyên gia phản biện độc lập.

Tác giả công trình hoặc người có quyền, lợi ích liên quan đến công trình không được là thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng công trình đó.

b) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở có từ 07 đến 09 thành viên. Trường hợp cần thiết, người thành lập Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở có thể mời thêm chuyên gia am hiểu lĩnh vực khoa học và công nghệ của công trình tham gia Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

c) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Bộ, ngành, địa phương có từ 09 đến 11 thành viên.

d) Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước bao gồm các nhà khoa học uy tín, được đào tạo cùng chuyên ngành với công trình đề nghị xét thưởng và có công trình cùng chuyên ngành được công bố.

Số lượng Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước phụ thuộc vào số lĩnh vực khoa học của các công trình đề nghị xét tặng giải thưởng.

Số lượng thành viên trong từng Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước được thành lập trên cơ sở số lượng công trình đề xuất xét thưởng và do Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định sau khi thống nhất với Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước.

Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (được Chủ tịch ủy quyền bằng văn bản) xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước là thành viên của Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước.

đ) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước gồm các nhà khoa học có uy tín ở nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ và các thành viên khác, số lượng thành viên, thành phần Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị.

- Ngoài ra, nội dung quy định tại điểm b, c và đ Khoản 1 Điều này còn được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 31/2014/TT-BKHCN

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thành phần Hội đồng xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 78/2014/NĐ-CP.

Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào