Nghe, ghi chép nội dung khiếu nại được quy định như thế nào?

Nghe, ghi chép nội dung khiếu nại được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Quốc Trung, công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với công dân, đặc biệt là giải quyết các khiếu nại. Để phục vụ cho công việc, tôi có thắc mắc về vấn đề nghe, ghi chép nội dung khiếu nại được quy định như thế nào và văn bản nào quy định việc nghe, ghi chép nội dung khiếu nại? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin chân thành cảm ơn! (trungspider04***@yahoo.com.vn)

Nghe, ghi chép nội dung khiếu nại được quy định tại Điều 10 Thông tư 06/2014/TT-TTCP quy định quy trình tiếp công dân do Thanh tra chính phủ ban hành như sau:
1. Khi người khiếu nại có đơn trình bày nội dung rõ ràng, đầy đủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại thì người tiếp công dân cần xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của người khiếu nại để xử lý cho phù hợp.
Nếu nội dung đơn khiếu nại không rõ ràng, chưa đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người khiếu nại viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung chưa rõ, còn thiếu.
2. Trường hợp không có đơn khiếu nại thì người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại theo các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại.
Nếu công dân trình bày trực tiếp thì người tiếp công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung khiếu nại do công dân trình bày; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị người khiếu nại trình bày thêm, sau đó đọc lại cho người khiếu nại nghe và đề nghị người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại.
3. Trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung thì người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, người tiếp công dân ghi lại nội dung khiếu nại bằng văn bản như theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại.
4. Trường hợp đơn khiếu nại có nội dung tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành đơn khiếu nại riêng để thực hiện việc khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nghe, ghi chép nội dung khiếu nại. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 06/2014/TT-TTCP và Luật Khiếu nại 2011.
Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào