Phải làm sao khi bị chồng liên tục bạo hành?
1. Về hành vi bạo lực gia đình: Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định những hành vi bạo lực gia đình gồm: "a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;...
Nếu chồng bạn thường xuyên đánh đập bạn, thì đây là hành vi bạo lực gia đình. Hành vi của chồng bạn bị cấm theo Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 20 và điều 21 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định Uỷ ban Nhân dân và Toà án Nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi có đủ các điều kiện sau đây:
“a) Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.”
Khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ các quy định nêu trên, nếu tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của bạn, thì bạn có thể yêu cầu Uỷ ban Nhân dân hoặc Toà án nơi mình cư trú áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với chồng của bạn. Hành vi dùng bạo lực gia đình của chồng bạn tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thông báo đến cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ủy ban cấp xã để có biện pháp ngăn chặn, nhắc nhở xử lý kịp thời tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
2. Về vấn đề ly hôn: Bạn có thể đơn phương ly hôn, bạn có thể tự viết đơn xin ly hôn và nộp ra tòa án nhân dân quận/huyện nơi chồng bạn cư trú, kèm theo các giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của vợ và chồng;
- Đăng ký kết hôn bản chính;
- Giấy khai sinh của các con;
- Giấy tờ về tài sản nếu có yêu cầu chia.